Sau một thời gian triển khai Đề án Chuyển đổi cây trồng Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định điều chỉnh một số nội dung của đề án này.
Sau một thời gian triển khai Đề án Chuyển đổi cây trồng Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định điều chỉnh một số nội dung của đề án này. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có hơn 5.300ha đất nông nghiệp được chuyển đổi, nhiều hơn khoảng 2.000ha so với đề án trước.
Nhu cầu tất yếu
Những năm gần đây, nhiều nông dân tỏ ra ngao ngán khi nhắc đến lợi nhuận thu được từ cây lúa, nhất là khi một số cây trồng khác đang tỏ rõ tính ưu việt so với lúa, loại cây trồng đang chiếm phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Khánh Hòa.
Ông Phạm Văn Ba (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) cho biết, với 5 sào lúa, nếu được mùa, được giá thì nhiều nhất cũng chỉ có thể mang về cho gia đình ông khoảng 10 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, hầu như chưa có mùa nào lúa vừa được mùa, vừa được giá. Khi thời tiết thuận lợi, cây lúa lại mắc phải một số sâu hại, bệnh dịch khiến năng suất giảm; còn khi được mùa thì hầu như giá lúa lại giảm xuống mức thấp. Cá biệt như vụ hè thu năm nay, năng suất không cao và giá lúa cũng giảm so với trước.
Đây có lẽ là bức tranh chung nhất trong hoạt động sản xuất lúa những năm qua. Thực tế này đòi hỏi phải tìm kiếm những cây trồng có khả năng mang đến thu nhập tốt hơn cho nông dân. Chính vì thế, những năm qua, hoạt động chuyển đổi cây trồng đã diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Chẳng hạn như ở Khánh Sơn, 2 năm gần đây đã có hàng trăm héc-ta cà phê bị phá bỏ, chuyển sang trồng tiêu và quýt đường. Còn ở Cam Lâm, trong số khoảng 5.000ha xoài với những giống như: bồ trắng, cát Hòa Lộc, canh nông, đến nay đã có khoảng 2/3 diện tích được chuyển sang giống xoài Úc có giá trị kinh tế cao hơn. Tại Khánh Vĩnh, khi cây bưởi da xanh được đánh giá là hiệu quả gấp 20 lần so với trồng bắp, trồng mì hay rẫy tạp trước kia thì hàng nghìn héc-ta đất đồi rẫy tạp, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng bưởi da xanh và trở thành cây trồng chủ lực của huyện. Tuy vậy, thực tế hoạt động chuyển đổi mới chủ yếu diễn ra ở những diện tích trồng cây lâu năm kém hiệu quả, đất đồi bạc màu, còn ở những nơi bằng phẳng, thuận tiện về nước tưới, người dân vẫn ưu tiên cho cây lúa.
Cùng với hoạt động chuyển đổi cây trồng đã và đang diễn ra trong quá trình sản xuất của người dân, tháng 9-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi cây trồng Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sẽ có khoảng 3.400ha đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi theo đề án này. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm triển khai, mới đây, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2288 ngày 9-8-2017 về việc sửa đổi một số nội dung của Đề án. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng toàn tỉnh từ nay đến năm 2020 là 5.317,7ha, tăng gần 2.000ha so với trước.
Tập trung vào cây bắp và cây ăn quả
Trong số hơn 5.300ha đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi, sẽ có hơn 2.800ha đất lúa được chuyển sang trồng các loại cây hàng năm khác. Gần một nửa diện tích trong số này sẽ được chuyển sang trồng bắp. Việc chuyển đổi được thực hiện theo Quyết định số 915 ngày 27-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp. Theo đó, một phần của Đề án Chuyển đổi cây trồng Khánh Hòa căn cứ vào quyết định này, từ nay đến năm 2020, nông dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ gần 4,8 tỷ đồng mua giống gieo trồng, hỗ trợ khuyến nông và cơ giới hóa để chuyển đổi hơn 1.130ha lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, về tính hiệu quả, các giống bắp cao sản hiện nay cho năng suất bình quân tương đương với cây lúa, từ 5,5 đến 6 tấn/ha, với giá bán tại ruộng khoảng 7 triệu đồng/tấn, cao hơn so với giá lúa đang ở mức 5,4 triệu đồng/tấn. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Điều đáng nói là mặc dù thời gian sinh trưởng của cây bắp từ khi gieo hạt đến thu hoạch thường phổ biến từ 90 đến 120 ngày, dài hơn so với cây lúa, nhưng bắp lại có khả năng chống chịu với các điều kiện thời tiết bất lợi tốt hơn, đặc biệt bắp là cây trồng cạn, cần ít nước hơn, nên hầu hết các diện tích trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sẽ được ưu tiên để chuyển sang trồng bắp phục vụ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi vốn đang phải nhập khẩu nguyên liệu.
Với hoạt động chuyển đổi từ đất trồng màu, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, Khánh Hòa tiếp tục tập trung chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: xoài Úc, bưởi da xanh, sầu riêng… với diện tích chuyển đổi gần 2.500ha. Sẽ có hơn 43 tỷ đồng được dành để hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi, trong đó kinh phí chủ yếu hỗ trợ người dân mua giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Khi tính đến nội dung chuyển đổi, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang được ưu tiên nguồn lực này để phát triển cây ăn quả. Cụ thể, đến năm 2020, Khánh Sơn sẽ có hơn 1.000ha (không kể đất lúa) được chuyển sang trồng mía tím và một số cây ăn quả đang phát huy hiệu quả như: sầu riêng, cam, quýt…; ở Khánh Vĩnh là 800ha, chủ yếu chuyển sang trồng bưởi, sầu riêng. Đây cũng là 2 địa phương có diện tích chuyển đổi từ đất trồng màu, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả nhiều hơn so với các địa phương khác. Ngược lại, ở những diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bắp, Vạn Ninh (371ha) và Ninh Hòa (445ha) là 2 địa phương có diện tích chuyển đổi nhiều.
Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thực hiện Đề án Chuyển đổi cây trồng, tính đến tháng 8-2017, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 464ha đất nông nghiệp sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả cao hơn. Cụ thể: Cam Lâm chuyển từ đất lúa sang trồng khoai sáp (140ha), Khánh Vĩnh chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh (80ha) và sầu riêng (15ha)… Trong thời gian tới, hoạt động chuyển đổi sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đạt được những mục tiêu mà đề án chuyển đổi cây trồng đặt ra.
Hồng Đăng