Năm 2014, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học cho một số hộ. Đến nay, mô hình đã được nhiều nông dân ứng dụng bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.
Năm 2014, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học cho một số hộ. Đến nay, mô hình đã được nhiều nông dân ứng dụng bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.
Giảm chi phí, ô nhiễm
Gia đình ông Nguyễn Công An (thôn 1, xã Diên Phú) là 1 trong 3 hộ ở huyện Diên Khánh đang tham gia mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học do Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện triển khai. Gần 1 tháng nữa, đàn gà hơn 500 con của gia đình ông sẽ xuất bán. Ông An cho biết: “Nuôi gà bằng đệm lót sinh học giảm hẳn công vệ sinh chuồng trại, mùi hôi từ chất thải cũng được hạn chế nhiều”. Khi bắt đầu nuôi theo mô hình này, ông An được cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện hướng dẫn cách trộn men sinh học với cám bắp, sau đó ủ 2 ngày, khi có mùi chua thì đem ra rải trên mặt chuồng. Khi gà xả chất thải trên đệm lót, lớp men sinh học có vi sinh vật sẽ phân hủy chất thải, chuồng trại không bị hôi thối, thoáng khí hơn. Do đó hạn chế được các loại bệnh thông thường về hô hấp và tiêu hóa cho vật nuôi.
Ông Huỳnh Trung Chủng (thôn Đại Điền Trung 2, xã Diên Điền) chia sẻ, ông chăn nuôi gà đã hơn 20 năm. Từ khi được Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện phổ biến mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, ông bắt đầu ứng dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. So với cách nuôi truyền thống, nuôi gà trên đệm lót sinh học không những giảm được ô nhiễm môi trường do mùi hôi mà còn rất lợi về chi phí, tăng lợi nhuận. Trước đây, cứ 10 ngày, ông phải dọn và thay mới lớp trấu trải dưới nền chuồng. Với quy mô đàn gà khoảng 1.500 con, từ khi nuôi đến khi xuất bán hơn 3 tháng, tính ra ông phải mất chi phí gần 7 triệu đồng cho việc thay trấu mới, đó là chưa tính công vệ sinh chuồng trại. Khi chuyển qua nuôi trên đệm lót sinh học, ông vừa tiết kiệm được chi phí thay trấu mới mà mỗi lần xuất bán xong, ông còn tận dụng lượng trấu đã ủ men sinh học để làm phân bón cho cây trồng. Gia đình ông vừa xuất bán gần 4.000 con gà nuôi theo mô hình đệm lót sinh học, sau khi trừ chi phí, tiền lãi thu về gần 150 triệu đồng. Sắp tới, ông tiếp tục tái đàn để kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Ứng dụng rộng rãi
Theo ông Huỳnh Ngọc Minh - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Diên Khánh, từ năm 2014, trạm bắt đầu triển khai thí điểm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi. Mỗi năm, trạm chọn khoảng 6 hộ chăn nuôi để triển khai mô hình với quy mô khoảng 500 con/hộ. Trạm sẽ hỗ trợ 50% con giống và kỹ thuật làm đệm lót sinh học, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi cho các hộ. Khi gà chuẩn bị xuất bán, trạm mở các hội thảo tại địa bàn cơ sở có hộ tham gia mô hình để đông đảo người dân tham quan, học tập kinh nghiệm. Nhận thấy lợi ích của mô hình này, đến nay có khoảng 60 - 70% hộ chăn nuôi nằm trong khu dân cư đã ứng dụng nuôi gà trên đệm lót sinh học. Mô hình đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả chăn nuôi. Ở các xã có mật độ dân cư đông và diện tích đất sản xuất hạn chế như: Diên Lạc, Diên Phước, Diên Phú, Diên Điền, Diên Toàn…, các hộ chăn nuôi ứng dụng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học rất cao. Tuy nhiên, ở các xã như: Suối Tân, Suối Tiên, Diên Đồng…, việc ứng dụng còn ít. Do đó, sắp tới, trạm sẽ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình này; trước mắt vào tháng 9 sẽ triển khai tiếp cho 3 hộ chăn nuôi.
Ông Minh cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Diên Khánh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai dự án đánh giá hiệu quả, chất lượng của việc nuôi gà trên đệm lót sinh học. Dự án triển khai ở một số hộ chăn nuôi xã Diên Thọ và Suối Hiệp, quy mô 600 con/hộ. Trung tâm sẽ đánh giá khả năng phân hủy chất thải của đệm lót sinh học, đo nồng độ khí thải trong chuồng nuôi… để có cơ sở đánh giá và đối chứng với cách nuôi gà truyền thống.
MAI HOÀNG