UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng cho các địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đợt 1 năm 2017 theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng cho các địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đợt 1 năm 2017 theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.
Tập trung chuyển đổi cây trồng
Ngày 13-3-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 661 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020. Quyết sách quan trọng này nhằm mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông sản và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 7 nhóm lĩnh vực được hỗ trợ gồm: chuyển đổi cây trồng; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chăn nuôi tập trung; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Trên cơ sở chính sách này, các địa phương đã tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu thực tế của các xã, thị trấn trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn của địa phương mình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ.
Ngày 7-8, UBND tỉnh đã ban hành quyết định bổ sung kinh phí sự nghiệp năm 2017 hơn 14 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2017. Theo đó, Khánh Sơn được hỗ trợ hơn 7,4 tỷ đồng, Khánh Vĩnh 2,2 tỷ đồng, một số địa phương khác như: Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh từ 85 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Phần lớn kinh phí cấp tỉnh hỗ trợ được dành cho việc chuyển đổi cây trồng (12,869 tỷ đồng), trên 700 triệu đồng hỗ trợ chăn nuôi tập trung và 450 triệu đồng hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Nông sản giá trị cao và sản xuất tập trung
Trong số các địa phương nhận hỗ trợ đợt 1 năm 2017, huyện Khánh Sơn có số kinh phí lớn nhất. Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, sau khi có quyết định của tỉnh, huyện đã giao cho các xã, thị trấn tổ chức cho người dân đăng ký, tiến hành xét duyệt. Một số diện tích đã qua xét duyệt người dân đã làm đất, xuống giống. Trên cơ sở đăng ký của người dân, ngày 24-8, huyện đã tổ chức cho lãnh đạo các xã làm việc với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam để đăng ký hợp đồng mua cây giống sầu riêng, chôm chôm và bưởi da xanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao, sạch bệnh để cung cấp cho người dân. Riêng giống mía tím Khánh Sơn có thể tự nhân giống. Về vấn đề huy động đủ diện tích để được hỗ trợ theo Quyết định 661 của tỉnh, các xã đã làm việc với người dân, trên cơ sở tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây trồng hiệu quả thấp như: mì, bắp, chuối, cà phê… sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Điều quan trọng là hoạt động sản xuất phải có quy mô đủ lớn. Chẳng hạn như: cây sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh phải đạt 5ha trở lên, cây mía tím 2ha trở lên mới được xem xét hỗ trợ. Vì vậy, chính quyền các cấp đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có diện tích đủ lớn và nhận được sự đồng thuận của người dân. Song hành với việc chuyển đổi, mục tiêu của huyện là đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hình thành nên các vùng chuyên canh đồng bộ, quy mô lớn.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Quyết định 661 của UBND tỉnh, trong năm 2017, toàn tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 500ha các loại cây như: bưởi, mít, sầu riêng, xoài, ớt cay, rau củ…; phát triển khoảng 50.000 con heo, bò, gà sang hình thức chăn nuôi tập trung phù hợp với quy hoạch. Tổng kinh phí thực hiện mục tiêu này gần 33 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh hơn 17 tỷ đồng. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, trong năm 2017, huyện đặt mục tiêu chuyển đổi trên 228ha cây trồng với tổng kinh phí trên 17,6 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 7,4 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của người dân. Số tiền này được dùng để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, khi chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, ngoài những đòi hỏi về thổ nhưỡng, khí hậu, giống, phân bón, điều kiện tiên quyết là hệ thống tưới tiêu phải được đầu tư phù hợp. Do đó, huyện sẽ dành gần 7 tỷ đồng trong tổng số hơn 17 tỷ đồng để dùng vào việc đầu tư hệ thống tưới tiêu, điều mà Khánh Sơn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã có cây trồng chủ lực là mía tím, nhưng thời gian qua, một số hộ đã phát triển diện tích trồng chôm chôm khoảng 2ha và cho kết quả rất đáng khích lệ. Cây chôm chôm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã, trình độ canh tác cũng phù hợp với người dân nên xã mạnh dạn đề xuất cấp trên chuyển đổi 5ha từ đất trồng mì, bắp… kém hiệu quả sang trồng chôm chôm.
Hy vọng, với quyết tâm cao của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn sẽ đi vào thực tế, trợ lực cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, giá trị cao và có sự liên kết giữa nhiều hộ nông dân để mở rộng quy mô sản xuất.
H.Đ