05:08, 08/08/2017

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Thời gian qua, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống…

 

Thời gian qua, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND), các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống…


Hơn 5 năm nay, ngoài nghề đi biển, ông Huỳnh Văn Ân (thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông) còn chăn nuôi gà. Ban đầu, do nguồn vốn hạn hẹp nên ông chỉ nuôi khoảng vài chục con. Năm 2015, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND, ông Ân mua thêm con giống, thức ăn… để chăn nuôi. “Hiện nay, tôi nuôi hơn 200 con gà, trong đó chủ yếu là gà thả vườn. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm. Với mức lãi vay thấp, nếu đầu tư đúng hướng, sử dụng vốn đúng mục đích thì nông dân có thể vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”, ông Ân chia sẻ.

 

Xã Cam Hải Đông là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác quản lý Quỹ HTND. Theo bà Lâm Thị Hoàng Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã, tính đến đầu tháng 7-2017, hội đã phát vay cho 19 hộ với 158 triệu đồng. Đồng thời, nguồn do Hội Nông dân huyện ủy thác (200 triệu đồng) đã phát vay cho 10 hộ. Đến nay, nhiều hộ sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn vay, trả nợ đúng thời hạn, không có nợ quá hạn…


Cuối năm 2015, từ nguồn Quỹ HTND của Trung ương hội ủy thác, bà Nguyễn Thị Thôn và 9 thành viên của tổ hợp tác trồng hoa cúc (thị trấn Cam Đức) được tiếp cận nguồn vốn 400 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Mặt khác, các thành viên còn được tham gia các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau… Nhờ vậy, việc trồng hoa ngày càng phát triển. Hàng năm, mỗi thành viên trồng từ vài trăm chậu đến hơn 4.000 chậu; nếu thời tiết thuận lợi, trừ chi phí, hộ lãi ít nhất vài chục triệu đồng, lãi nhiều hơn 150 triệu đồng.  


Cũng nhờ nguồn Quỹ HTND, mô hình chăn nuôi gà trại lạnh (xã Cam Hiệp Bắc), nhóm hộ đan giỏ cần xé (xã Cam Hiệp Nam), nhóm cải tạo vườn xoài (xã Cam Hải Tây)… cũng phát huy hiệu quả.

 

Ông Ân cho đàn gà ăn

Ông Ân cho đàn gà ăn

 

Được biết, đến nay, nguồn Quỹ HTND trên địa bàn huyện hơn 8,1 tỷ đồng, đã phát vay cho 361 hộ. Trong đó, nguồn của Trung ương hội 2,1 tỷ đồng, nguồn của Hội Nông dân tỉnh 1,9 tỷ đồng, nguồn của Hội Nông dân huyện hơn 4,1 tỷ đồng. Các đơn vị có nguồn vốn đạt khá như: Cam Hải Đông, Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Đức, Cam Thành Bắc, Suối Tân… Thời gian qua, các cấp hội đã chú trọng phát vay cho cá nhân, nhóm hộ, tổ liên kết…, giúp hội viên giải quyết khó khăn về vốn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, ngành nghề, tăng thu nhập. Các cấp hội đã thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay; cho vay đúng đối tượng. Các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích; các dự án, mô hình được quỹ đầu tư đều đạt hiệu quả. Ngoài ra, thông qua các mô hình sản xuất đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở địa phương…


Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm cho biết, có được kết quả trên là nhờ huyện hội đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND 14 xã, thị trấn cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hội cơ sở. Đến nay, tất cả cơ sở hội đều được cấp kinh phí (đơn vị cao nhất là 18 triệu đồng, thấp nhất 10 triệu đồng). Bên cạnh đó, vận động hội viên, các chủ trang trại, doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi các cấp… đóng góp kinh phí xây dựng quỹ.


Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả cao, hội nông dân đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành mở các lớp dạy nghề; tập huấn cách phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tổ chức các buổi sinh hoạt, tham quan mô hình kinh tế hiệu quả để nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm…  


Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế cho thấy, nông dân có nhu cầu vay vốn từ Quỹ HTND rất lớn, nhất là các tổ hợp tác, nhưng đến nay, tỷ lệ các tổ hợp tác được hỗ trợ vốn mới đạt 30% (có 8/21 tổ hợp tác được hỗ trợ vốn từ Quỹ HTND để sản xuất nông, ngư nghiệp, dịch vụ). Nguồn vốn toàn huyện còn hạn chế nên số tiền phân bổ cho mỗi dự án chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu để đầu tư sản xuất. Mặt khác, do đời sống của nông dân còn khó khăn nên việc vận động ủng hộ nguồn vốn đạt được chưa cao…


K.NGUYỄN