09:08, 07/08/2017

Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng

Quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt từ năm 2011 đến nay đã bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm rà soát, điều chỉnh quy hoạch này.

 

Quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt từ năm 2011 đến nay đã bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm rà soát, điều chỉnh quy hoạch này.


Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Vạn Ninh được giao quản lý 18.952ha rừng và đất rừng. Tuy nhiên, trong lâm phận BQL được giao theo quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, những diện tích người dân khai hoang, vườn rừng, nương rẫy, ruộng vườn người dân sử dụng nằm xen lẫn trong lâm phận được Nhà nước giao cho BQL lại không được bóc tách ra nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Vạn Ninh cho biết: “Hiện nay, trong lâm phận đơn vị quản lý có khoảng 600ha đất sản xuất của người dân chưa được bóc tách, vẫn thuộc quy hoạch 3 loại rừng, nhiều khu vực còn được quy hoạch là rừng phòng hộ. Thậm chí có những khu vực người dân sản xuất lúa nước cách đây đã hơn 20 năm, đến nay vẫn thuộc khu vực rừng phòng hộ. Cụ thể, khu vực Hóc Chim (xã Vạn Phú), người dân đến đây sản xuất đã hàng chục năm, nhưng một phần cánh đồng ở đây lại đưa vào quy hoạch của tiểu khu rừng phòng hộ”. Không chỉ riêng BQL rừng phòng hộ Vạn Ninh, nhiều chủ rừng khác cũng gặp tình cảnh tương tự.

 

Một góc rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà

Một góc rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà


Tại thị xã Ninh Hòa, hàng nghìn héc-ta rừng ở khu vực thượng nguồn hồ Tiên Du theo quy hoạch hiện hành vẫn là rừng sản xuất, trong khi rừng ở khu vực này lại có chức năng phòng hộ cho hồ Tiên Du. Hay tại nhiều khu vực ở xã Ninh Tây (Ninh Hòa), đất sản xuất của người dân đã canh tác từ hàng chục năm nay vẫn thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, khiến cho việc quản lý hết sức khó khăn. Tại khu vực các xã: Khánh Thành, Sơn Thái, Giang Ly… (huyện Khánh Vĩnh), nhiều khu vực dân cư sinh sống vẫn đang nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ…

 

Với những bất cập hiện nay, ông Đặng Quang Thành kiến nghị: Đối với diện tích đất quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, nếu không có chức năng phòng hộ thì nên chuyển sang rừng sản xuất và đề nghị cơ quan chức năng xem xét bóc tách giao cho người dân. Đối với những diện tích đất sản xuất của người dân đang nằm trong quy hoạch chức năng rừng phòng hộ thì nên bóc tách ra giao cho người dân.

 

Một khu vực trồng lúa nước của người dân xã Vạn Phú nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ

Một khu vực trồng lúa nước của người dân xã Vạn Phú nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ

 

Tổng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho 3 loại rừng giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh là 284.459,4ha; trong đó, rừng đặc dụng 19.094,14ha, rừng phòng hộ 134.520,58ha và rừng sản xuất 130.844,68ha. Tới đây, quy hoạch 3 loại rừng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng rừng ở từng khu vực và phù hợp với kết quả kiểm kê rừng.

Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Đến nay, việc kiểm kê rừng toàn tỉnh đã hoàn tất, kết quả kiểm kê đã được UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Theo đó, tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp và đất quy hoạch lâm nghiệp đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng của tỉnh là 322.205,84ha, tỷ lệ độ che phủ rừng là 46%. Qua kiểm kê cho thấy, quy hoạch 3 loại rừng hiện hành bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh. Cụ thể, việc thực hiện quy hoạch theo dải, theo băng, trong đó tồn tại đất sản xuất của người dân theo kiểu da beo, da báo mà không bóc tách ra nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý. Một số khu vực có khả năng phòng hộ thì lại quy hoạch rừng sản xuất, trong khi những khu vực khả năng phòng hộ không đạt thì lại quy hoạch là rừng phòng hộ… Vì vậy, việc rà soát để điều chỉnh lại đất quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh là cần thiết”. 


Tại cuộc họp giao ban của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc sở nhấn mạnh, trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, bên cạnh việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra, ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; triển khai các dự án phát triển rừng, trồng rừng thay thế…, ngành Lâm nghiệp cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh ranh giới quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.


Ông Nguyễn Khương cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm tiến hành phương án rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã có công văn đề nghị UBND các địa phương, các chủ rừng nhà nước triển khai rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; những khu vực đất sản xuất ổn định của người dân trong khu vực đất, rừng phòng hộ cũng tiến hành rà soát lại để điều chỉnh; những khu vực có chức năng phòng hộ cho công trình thủy lợi, đường giao thông, phòng hộ ven biển… sẽ được điều chỉnh, cập nhật vào quy hoạch rừng phòng hộ…”.


B.L