06:08, 10/08/2017

Chương trình OCOP: Hướng tới các sản phẩm chủ lực

Với thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản, ngành nghề đa dạng, Khánh Hòa có nhiều sản phẩm để phát triển Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP), qua đó phát huy hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới…

Với thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản, ngành nghề đa dạng, Khánh Hòa có nhiều sản phẩm để phát triển Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP), qua đó phát huy hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới…


Đa dạng về chủng loại, sản phẩm


Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 30 sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm là: thực phẩm (20 loại), đồ uống (2), thảo dược (1), lưu niệm - nội thất - trang trí (5), dịch vụ du lịch nông thôn (3). Sản phẩm của Khánh Hòa đa dạng về chủng loại, một số đã tạo được vùng chuyên canh sản xuất ổn định như: mía đường, mía tím; một số được công nhận VietGAP như: rau Ninh Đông, rau Đắc Lộc…; một số đã có thương hiệu hay được công nhận là sản phẩm tiêu biểu… Về nông sản tươi sống có rau, tỏi, xoài, mía, vú sữa, khoai sáp, sầu riêng, bưởi da xanh, dừa xiêm…; sản phẩm thô có đà điểu, gà ri Ninh Hòa; về thực phẩm tiện lợi có nước mắm, hải sản khô, rong nho, chả cá, nem chua, chả lụa, bún bánh các loại…; đồ uống có cà phê, yến sào; đồ lưu niệm có trầm hương, chế tác đá, đồ đồng, đan giỏ, hàng thủ công mỹ nghệ… Với sự đa dạng về chủng loại, sản phẩm, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển Chương trình OCOP.

 

Một trong những làng nghề tiêu biểu ở Khánh Hòa hiện nay đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chế tác trầm hương từ cây dó, tập trung tại thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh). Làng nghề hiện có hơn 260 hộ, 500 lao động. Theo ông Phạm Ngọc Thế - Trưởng thôn Phú Hội 1, sản phẩm chính của làng nghề là gỗ lũa mỹ nghệ trầm hương và nhang trầm. Khó khăn của làng nghề hiện nay là công tác xúc tiến giới thiệu, quảng bá sản phẩm vì thị trường này còn bấp bênh, thiếu các kênh tiêu thụ chính thống. Bên cạnh đó, các hộ cần hỗ trợ về vốn để phát triển sản xuất, bởi vốn vay bị động do tồn đọng sản phẩm.


Một mặt hàng mới xuất hiện vài năm gần đây trên thị trường là trà ngọt của cơ sở Hoàng Hoa Thôn (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Ông Nguyễn Văn Phúng - chủ cơ sở cho hay, cơ sở có 2 loại trà ngọt: Moringa và Trầm hương, đều được tỉnh công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2015. Thời gian qua, tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ cơ sở rất nhiều như: hỗ trợ vốn khuyến công 100 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; tạo điều kiện trưng bày sản phẩm miễn phí tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các mặt hàng của cơ sở tiêu thụ tốt, mỗi tháng hàng trăm sản phẩm.

 

Chế tác trầm mỹ nghệ tại xã Vạn Thắng
Chế tác trầm mỹ nghệ tại xã Vạn Thắng

 

Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực


Theo ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, tạo ra sản phẩm đặc thù của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.


Khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi vì đã có nhiều sản phẩm đặc thù, là thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn còn gặp khó khăn về mặt bằng, vốn. Bên cạnh đó, việc phát triển còn mang tính tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn; mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới, ít sáng tạo; trình độ quản lý và lao động còn hạn chế… cũng là những khó khăn cản trở sự phát triển của làng nghề.

 

Ngày 5-6-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề cương Chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra khảo sát phục vụ xây dựng đề án. Đây là chương trình mới, với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm cạnh tranh, phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng miền, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, chương trình đang chờ Trung ương tiếp tục hướng dẫn để triển khai thực hiện. 

Bà Phan Thị Thuận - chủ cơ sở chả cá Thuận (xã Vạn Phú, Vạn Ninh) cho biết, cơ sở của bà đã đầu tư hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại, mua xe lạnh giao hàng với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, phần lớn là vay vốn ngân hàng nên rất khó khăn về vốn. Bà rất mong được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp an tâm với nghề.


Để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, theo ông Lan, từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Giai đoạn 2018 - 2020, đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, định hướng xây dựng mỗi xã hay cụm xã một sản phẩm chủ lực, bao gồm các sản phẩm được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm 2013, 2015 và sản phẩm của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông sản tươi sống có thế mạnh.


Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, tạo cơ hội phát triển du lịch, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chương trình OCOP của tỉnh; bố trí nguồn vốn cho Chương trình OCOP; tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý Chương trình OCOP; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm Chương trình OCOP quốc gia… Các chủ thể sản xuất sản phẩm địa phương kiến nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị làng nghề góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, nâng sức cạnh tranh; hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, hệ thống thông tin, quảng bá sản phẩm; xây dựng các dự án phát triển làng nghề cạnh tranh thị trường, cải thiện môi trường làng nghề, phát triển du lịch, xuất khẩu; hỗ trợ tổ chức hộ làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn cả nước…


P.L