Trong vòng 1 tháng trở lại đây, hàng chục hộ nuôi cá bớp, cá chim trên đầm Nha Phu (khu vực xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên vì cá chết liên tục, tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50%.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, hàng chục hộ nuôi cá bớp, cá chim trên đầm Nha Phu (khu vực xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên vì cá chết liên tục, tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50%.
Cá chết liên tục
Những ngày qua, ông Phan Tấn Tý (thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích) như ngồi trên đống lửa khi cá bớp nuôi đã 3,5 tháng bỗng dưng chết trắng lồng, ngày cao điểm số cá chết hơn 100 con. Ông Tý chia sẻ: “Gia đình tôi thả nuôi 3.000 con cá bớp và 30.000 con cá chim trắng trên vùng biển Hòn Lăng (đầm Nha Phu). Trong vòng 30 ngày gần đây, ngày nào chúng tôi cũng phát hiện cá chết, từ hơn chục con đến 100 con mỗi ngày. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ ra nay cá chết, khiến tôi như đứt từng khúc ruột”. Theo ông Tý, thời điểm này năm trước cũng xuất hiện tình trạng cá bớp chết liên tục, khiến gia đình ông thua lỗ gần 400 triệu đồng. Vụ cá năm nay, ông hy vọng sẽ gỡ gạc được, ai ngờ đến thời điểm này khoảng 50% trong tổng số 3.000 con cá bớp của gia đình ông đã chết, tính ra thua lỗ khoảng 80 triệu đồng tiền con giống và thức ăn.
Cách đây gần 4 tháng, ông Phạm Hữu Minh, một chủ nuôi cá lồng tại Hòn Lăng thả 2.000 cá giống, gồm cá chim và cá bớp. Đến nay, số cá trong lồng chỉ còn khoảng gần 1.200 con. “Trong vòng 1 tháng trở lại đây, không hiểu sao cá bỏ ăn, nổi đầu rồi chết dần, ngày nào cũng vớt vài chục con. Đến thời điểm này, số cá bớp chết đã giảm nhưng cá vẫn còn rất yếu, chúng tôi phải bám bè suốt ngày đêm để chăm sóc. Riêng đối với cá chim, khoảng 3 ngày gần đây có hiện tượng bỏ ăn, lờ đờ, tôi hết sức lo lắng”, ông Minh nói.
Không riêng hộ ông Tý, ông Minh, tất cả các hộ nuôi cá bè khác trên đầm Nha Phu đều lâm vào cảnh tương tự, hộ ít thì tỷ lệ hao hụt khoảng 20%, hộ nhiều lên đến 40 - 50%. Theo thống kê của UBND xã Ninh Ích và Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Ninh Hòa, khu vực Hòn Lăng (thôn Ngọc Diêm) là vùng nuôi lồng bè duy nhất của thị xã Ninh Hòa, tại đây có khoảng 1.500 lồng nuôi; trong đó, có 280 lồng nuôi cá bớp (khoảng 32.000 con), 361 lồng nuôi cá chim, còn lại là các đối tượng nuôi khác. Hiện tượng cá bớp chết được xác định diễn ra từ giữa tháng 7 đến nay, rải rác trong các lồng nuôi, tỷ lệ tích lũy khoảng 20 - 40% trên tất cả các bè nuôi, kích cỡ cá chết khoảng 0,2 - 2,5kg/con.
Theo thông tin từ các hộ nuôi, trước khi chết cá có dấu hiệu bỏ ăn, ở phần đầu cá xuất hiện các chấm trắng, mang cá nhợt nhạt và có nhiều chất nhầy; quan sát kỹ trong mang cá có bùn đất. “Trong thời gian cá chết, nước tại khu vực vùng nuôi Hòn Lăng rất đục, nhiều tạp chất lơ lửng trong nước. Nguyên nhân tình trạng nước đục là do có rất nhiều tàu cào sò hoạt động xung quanh vùng nuôi này. Các ghe cào sò xới tung lớp bùn tích tụ bấy lâu trên đầm Nha Phu, khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cá bớp nuôi chết những ngày qua”, ông Tý nhận định.
Cần tuân thủ khuyến cáo
Được biết, sau khi nhận được thông tin cá chết, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Ninh Hòa đã lấy mẫu gửi Trung tâm Nghiên cứu giống và Dịch bệnh thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) xét nghiệm để tìm nguyên nhân cá chết. Kết quả xét nghiệm các mẫu cá bớp chết cho thấy, cá bị nhiễm khuẩn nặng với 2 loại vi khuẩn Streptoccus sp. và Vibrio sp.; không phát hiện ký sinh trùng trên các mẫu cá. Cá chết với biểu hiện xuất huyết ở miệng, xương nắp mang và hậu môn. |
Trước tình trạng cá bớp chết thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có một số khuyến cáo đến người nuôi. Theo đó, về con giống, người nuôi cần chọn giống tốt, có kích cỡ lớn (12cm trở lên), đồng đều, khỏe mạnh và thực hiện xét nghiệm, kiểm dịch để thả nuôi. Lưu ý, không thả giống vào thời điểm thời tiết không ổn định và mật độ thả vừa phải, không thả nuôi với mật độ dày như hiện nay để tránh hiện tượng thiếu ôxy cục bộ. Về thức ăn, nên chuyển sang sử dụng một phần thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đối với thức ăn tươi cần chọn cá tươi, bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng; bổ sung thêm các loại thức ăn bổ sung, vitamin C, vitamin B tổng hợp, khoáng chất và men tiêu hóa vào khẩu phần ăn cho cá. Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tình trạng hoạt động, mức độ bắt mồi của cá; theo dõi diễn biến thời tiết, sự biến đổi của các yếu tố môi trường để có biện pháp ứng phó kịp thời; định kỳ vệ sinh lưới lồng 10 - 15 ngày/lần; nên di chuyển lồng bè ra khỏi môi trường nước bị ô nhiễm, san thưa mật độ cá trong lồng, định kỳ tắm cho cá theo các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn. Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ nhiễm bệnh cần báo ngay cho các hộ xung quanh, chính quyền địa phương và trạm chăn nuôi và thú y để được hướng dẫn, xử lý kịp thời…
Theo bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đối với cá bớp nuôi đang bị bệnh, người nuôi có thể sử dụng Florfenicol với liều lượng 1 - 2g/kg thức ăn, cho ăn đủ thời gian 5 - 7 ngày để điều trị. Đối với thuốc kháng sinh, nên mua tại các công ty thú y thủy sản, không nên mua, sử dụng thuốc tây điều trị cho người. Trong giai đoạn dùng thuốc hoặc lúc thời tiết thay đổi, nên trộn thêm chất kích thích miễn dịch β-Glucan vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Ngoài ra, cần lưu ý việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản trong danh mục được phép lưu hành, tuyệt đối không sử dụng tùy tiện…
BÍCH LA