11:07, 27/07/2017

Phường Vĩnh Thọ: Tìm đầu ra cho rong mơ

Phường Vĩnh Thọ đang triển khai liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm rong mơ.

Phường Vĩnh Thọ đang triển khai liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm rong mơ.


Hiện nay đang là mùa thu hoạch rong mơ và phường Vĩnh Thọ là địa phương có nhiều ngư dân chuyên khai thác rong mơ. Bãi đất gần khu vực Hòn Đỏ từ lâu đã trở thành bãi phơi rong mơ của ngư dân. Bà Đặng Thị Thư cho biết, rong mơ là nguồn thu nhập chính của gia đình bà hàng chục năm nay. Hàng ngày, gia đình bà dong thuyền ra khơi, đến những bãi đá san hô trong khu vực vịnh Nha Trang như Rạn Cạn (Đầm Bấy), nơi có nhiều rong mơ, thả neo rồi lặn xuống vớt rong. Rong mơ sau khi đưa vào bờ được phơi khô rồi bán cho đầu nậu. Giá rong dao động từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg. Bà Thư cho hay, lâu nay bà vẫn bán rong cho các đầu nậu, giá có lên xuống nhưng thị trường vẫn tạm ổn.

 

Phơi rong mơ tại phường Vĩnh Thọ

Phơi rong mơ tại phường Vĩnh Thọ


Theo ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ, tổ trưởng tổ hợp tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ của phường, lâu nay ngư dân vẫn khai thác rong mơ theo kiểu tận diệt, hái sạch gốc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh sôi, phát triển của rong. Chưa kể, nạn đánh bắt cá bằng thuốc nổ, xung điện phá hủy các rạn san hô cũng làm cho nguồn lợi rong mơ giảm sút. Rong mơ là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, thị trường này phụ thuộc vào thương lái nên không tránh khỏi cảnh “được mùa mất giá”. Để giúp ngư dân có thu nhập ổn định, phường đã liên kết với doanh nghiệp thu mua rong mơ.


Ông Bùi Văn Quỳ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ cho biết, phường đã thành lập tổ hợp tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ vào tháng 5-2017, liên kết với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Âu Việt và Công ty Cổ phần FUCOIDAN Việt Nam thu mua rong mơ cho ngư dân. Tổ hợp tác gồm 21 thành viên, hoạt động theo quy chế; vận động ngư dân khai thác, sơ chế rong mơ theo quy trình của doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm ổn định. Phường cũng vận động ngư dân phơi rong trên bạt, vỉ tre nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm có tốt thì đầu ra mới thuận lợi.


Được biết, tổ hợp tác được Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ vốn (lãi suất 0%) thông qua Dự án Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển ven bờ, kinh phí 200 triệu đồng, dự kiến sẽ mua 1 thuyền máy trị giá khoảng 140 triệu đồng (tải trọng 3 - 4 tấn) làm cơ sở để khai thác, vận chuyển rong mơ; 60 triệu đồng còn lại làm vốn lưu động. Tổ trưng dụng nhà chế biến tại cảng Hòn Rớ để làm kho bảo quản sản phẩm trong trường hợp sản phẩm rớt giá.


Hiện nay, 2 doanh nghiệp này đã đồng ý thu mua sản phẩm của ngư dân với giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg, nhưng sản phẩm phải đảm bảo sạch, không có tạp chất, độ khô 80%; doanh nghiệp cung cấp bao bì và cam kết thu mua ổn định. “Tổ vận động người dân thực hiện theo đề nghị của doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định. Tuy nhiên, do hầu hết người dân trước đây có vay vốn của thương lái nên chưa mạnh dạn bán cho doanh nghiệp, một số khác quen với cách làm cũ nên tổ sẽ tiếp tục vận động người dân thực hiện chương trình liên kết. Hy vọng, năm 2018 việc thu mua sẽ đi vào nề nếp”, ông Tính nói.


V.L