Ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc trong mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt thủy sản của các tàu cá có công suất từ 20CV trở lên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có các tàu khai thác xa bờ thực hiện nghiêm túc; còn nhiều tàu thuyền hoạt động ở vùng lộng chưa tuân thủ quy định này.
Ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc trong mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt thủy sản của các tàu cá có công suất từ 20CV trở lên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có các tàu khai thác xa bờ thực hiện nghiêm túc; còn nhiều tàu thuyền hoạt động ở vùng lộng chưa tuân thủ quy định này.
Theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, Thông tư 25 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định: Chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tất cả các tàu có giấy phép khai thác thủy sản chịu trách nhiệm ghi sản lượng khai thác thủy sản từng chuyến biển trong nhật ký khai thác. Đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 20CV trở lên, thuyền trưởng có trách nhiệm ghi nhật ký khai thác. Chủ tàu hoặc thuyền trưởng có trách nhiệm nộp và nhận nhật ký khai thác thủy sản mới theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ khi thông tư này có hiệu lực, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức hàng chục đợt tập huấn cho ngư dân các địa phương trong tỉnh.
Qua trao đổi với các ngư dân khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh, được biết, hầu hết tàu khai thác xa bờ như: tàu hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới vây… đều nghiêm túc thực hiện quy định này. Ngư dân Võ Hướng (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Qua các đợt tập huấn của ngành Thủy sản, tôi được biết việc ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc đối với mỗi tàu cá. Ngoài ra, các doanh nghiệp thu mua cũng yêu cầu ngư dân có nhật ký khai thác cho từng chuyến biển nên chúng tôi nghiêm túc thực hiện”. Ngư dân Nguyễn Phi Long (Hòn Rớ, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Chuyến biển nào tàu cá của gia đình tôi cũng ghi đầy đủ thông tin, nộp nhật ký khai thác đúng quy định. Ngoài thông tin chung về nghề đánh bắt chính, số tàu, công suất máy chính, thuyền viên, ngư cụ, chúng tôi còn ghi rõ: nơi xuất bến, nơi về bến; tọa độ nơi tàu hoạt động; địa điểm thả lưới, thu lưới, thời gian thả lưới, tổng số mẻ lưới trong chuyến biển… Đối với các sản phẩm đánh bắt được, ngoài ghi sản lượng của chuyến biển, chúng tôi còn phân rõ sản lượng từng loại cá”.
Thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 9.790 tàu thuyền. Trong đó có hơn 3.000 tàu có công suất từ 20 đến dưới 90CV, chủ yếu khai thác vùng lộng; hơn 1.200 tàu thuyền có công suất lớn hơn 90CV, khai thác xa bờ. Theo ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, qua theo dõi, 100% tàu khai thác xa bờ thực hiện tốt quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Ngoài đảm bảo quy định của doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, các chủ tàu còn tuân thủ việc này để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Riêng đối với các tàu, thuyền hoạt động vùng lộng thực hiện chưa nhiều. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, khai thác theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ, nhiều tàu đánh bắt bằng phương pháp thủ công, trang thiết bị, công nghệ quản lý còn hạn chế nên việc ghi nhật ký khai thác thủy sản của ngư dân gặp khó khăn.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), các nhà nhập khẩu thủy sản từ châu Âu coi nhật ký khai thác thủy sản đối với các lô hàng nhập vào thị trường này là một trong những quy định bắt buộc. Không chỉ EU, các thị trường khác cũng đều áp dụng quy định này để truy suất nguồn gốc thủy sản, kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp. Để tránh thiệt hại, ngư dân cần tuân thủ việc ghi nhật ký khai thác thủy sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các tàu, thuyền khai thác thủy sản ở vùng lộng trên địa bàn tỉnh, trước khi ra khơi, cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác… Thế nhưng, chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, cho ai thì không thể kiểm soát hết được. Trong khi đó, các cơ sở thu mua thủy sản cũng thu mua từ nhiều tàu, thuyền khác nhau nên không thể biết hết nguồn gốc hàng hóa. Nếu ngư dân không chủ động ghi nhật ký, việc doanh nghiệp đi từng tàu để xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt nhằm đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một số ngư dân cho rằng, với những tàu thuyền công suất nhỏ, trang bị ngư lưới cụ đơn giản, việc ghi chép chính xác tọa độ khai thác là một vấn đề phức tạp. Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều ngư dân vì muốn tiết kiệm nhiên liệu chạy tàu nên đã bán cá trực tiếp trên biển cho các tàu thu mua dịch vụ, sau đó tiếp tục chuyến đánh bắt dài ngày. “Trên biển, các tàu cá phải tận dụng thời gian để buông từng mẻ lưới. Chính vì thế, chúng tôi khó có thể ghi chép được cụ thể từng nội dung quy định trong nhật ký khai thác thủy sản”, ngư dân Trần Đước (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) nói.
Báo cáo khai thác và ghi nhật ký khai thác thủy sản là nội dung rất cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác, cũng như kiểm soát được nguồn gốc thủy sản, bên cạnh việc ngư dân cần thích ứng nhanh với việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời có chế tài để xử lý vấn đề này.
BÍCH LA