Kinh doanh tín chỉ carbon: Đang chờ thông tư hướng dẫn
Khánh Hòa có hàng trăm ngàn héc-ta rừng là yếu tố thuận lợi để kinh doanh tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện vẫn còn khó khăn, đang chờ thông tư hướng dẫn.
Khánh Hòa có hàng trăm ngàn héc-ta rừng là yếu tố thuận lợi để kinh doanh tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện vẫn còn khó khăn, đang chờ thông tư hướng dẫn.
Đã triển khai nhưng không thành
Năm 2011, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (gọi tắt là Công ty Trầm Hương) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Hành tinh xanh (gọi tắt là Công ty Hành tinh xanh, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) ký kết hợp đồng liên kết bảo tồn, phát triển rừng và khai thác, kinh doanh nguồn tín dụng carbon.
Theo lãnh đạo Công ty Hành tinh xanh, năm 1997, Nghị định thư Kyoto ra đời tạo điều kiện hình thành một thị trường đặc biệt là thị trường mua bán sự phát thải. Khí CO2 là khí do các ngành công nghiệp thải ra chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 4 loại khí gây hiệu ứng nhà kính nên thị trường mua bán phát thải thường được gọi là thị trường carbon.
Trên thị trường, việc mua bán phát thải CO2 thực hiện thông qua tín dụng carbon. Những công ty gây ô nhiễm được quy định hạn mức thải CO2 nhất định, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín dụng carbon.
Tín dụng carbon có thể được thực hiện thông qua việc đầu tư một số dự án góp phần làm giảm phát thải CO2 hoặc được mua lại từ các công ty khác. Với cơ chế này, các nước phát triển với hạn ngạch phát thải khí rất thấp sẽ phải tìm cách đầu tư những dự án góp phần làm giảm phát thải CO2 và thường ưu tiên thực hiện tại các nước đang phát triển bởi chi phí thấp.
Mục đích của việc liên kết giữa hai công ty Trầm Hương và Hành tinh xanh là thực hiện công tác định lượng, định tính nguồn tín dụng carbon tại lâm phần của Công ty Trầm Hương để bán cho người mua. Một phần lợi nhuận của việc mua bán tín dụng carbon sẽ được đầu tư vào công tác bảo tồn và phát triển rừng.
Công ty Trầm Hương đã xin chủ trương của tỉnh về vấn đề này. UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì cùng các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh. Sau khi lấy ý kiến của các ngành, đơn vị, Sở KH-ĐT đã đề nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Trầm Hương xây dựng Đề án liên kết khai thác và kinh doanh nguồn tín dụng carbon, đồng thời tiến hành khai thác sau khi đề án được duyệt. UBND tỉnh sau đó đã có quyết định cho phép lập đề án liên kết khai thác và kinh doanh nguồn tín dụng carbon.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trung - Giám đốc Công ty Trầm Hương, vào thời điểm đó, do một số nguyên nhân, Công ty Hành tinh xanh đã rút lui không tham gia đề án, vì thế việc kinh doanh tín dụng carbon tạm thời dừng lại.
Chờ thông tư hướng dẫn
Hiện nay, trên thế giới có 2 loại thị trường carbon: thị trường bắt buộc là mua bán tín dụng carbon giữa chính phủ các nước để đạt được mục tiêu phát thải của nước mình và thị trường tự do phục vụ cho cá nhân, tổ chức chưa bị bắt buộc phải giảm phát thải nhưng tự nguyện giảm để tiên phong, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh tín chỉ carbon nhưng mới chỉ là bắt đầu. Nhà máy thủy điện Sông Giang 2 (Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang) khánh thành vào tháng 3-2014, là công trình thân thiện với môi trường, được Ủy ban Chấp hành quốc tế về CDM (cơ chế phát triển sạch) của Liên hợp quốc phê chuẩn. Bên mua quyền giảm phát thải là Công ty Vitol S.A (Thụy Sĩ). Hoạt động của dự án sẽ giúp giảm phát thải hàng năm khoảng 200 tấn CO2 vào bầu khí quyển và tạo ra một nguồn thu mới cho công ty.
Theo ông Đinh Ngọc Quang - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định 99/2010 của Chính phủ quy định có 5 đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng là: thủy điện, nước sạch, công nghiệp, du lịch sinh thái và dịch vụ hấp thu, lưu giữ carbon từ rừng. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước mới quy định cụ thể mức chi trả và xác định số tiền của 4 loại dịch vụ thủy điện, nước sạch, công nghiệp và du lịch sinh thái. Riêng vấn đề hấp thu, lưu giữ carbon từ rừng chưa có hướng dẫn. Theo Quyết định 3989 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả kiểm kê rừng Khánh Hòa mới đây, hiện nay, Khánh Hòa có hơn 322.000ha rừng, đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng hơn 240.000ha (rừng tự nhiên hơn 174.000ha, rừng trồng hơn 33.000ha, độ che phủ đạt 46%); kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn của rừng Khánh Hòa một khi quy đổi tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn thu đáng kể.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến thời điểm này, việc liên kết khai thác, kinh doanh nguồn tín dụng carbon chưa đủ văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện vì khai thác, kinh doanh tín dụng carbon liên quan đến dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng quy định tại Nghị định 99/2010. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2284/2010 phê duyệt đề án thực hiện Nghị định 99; giao các bộ, ngành hướng dẫn. Riêng dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng đang chờ thông tư hướng dẫn.
Tính đến tháng 6-2015, Việt Nam đã có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận, bao gồm: năng lượng chiếm 87,6%, xử lý chất thải chiếm 10,2%, trồng rừng và tái tạo rừng chiếm 0,4%, các loại khác chiếm 1,8%. Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án với tổng lượng khí nhà kính tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng. Số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận do EB cấp đến nay trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới.