05:07, 25/07/2017

Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp

Đó là hướng đi mới của ngành Nông nghiệp huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) trong những năm tới nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa quy mô lớn, gắn kết tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao đời sống người dân.

 

Đó là hướng đi mới của ngành Nông nghiệp huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) trong những năm tới nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa quy mô lớn, gắn kết tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao đời sống người dân.


Nhiều cây trồng kém hiệu quả


Là cây trồng chủ lực của xã Suối Tiên nhưng nhiều năm nay, cây mì không còn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Vụ mì vừa qua, người dân xã Suối Tiên lại thất bát khi giá mì chỉ bằng một nửa so với vụ trước. Ông Võ Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Suối Tiên cho biết, mỗi vụ, toàn xã có hơn 200ha mì. Nhiều năm qua, mì kém hiệu quả, khi thì giá thấp, khi bị mất mùa… Do đó, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Vài năm gần đây, người dân tự chuyển đổi một số diện tích mì sang trồng các loại cây ăn quả như: xoài, chuối, dừa, bưởi... và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn cây mì. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn manh mún, tự phát, chưa tập trung. Năm nay, xã có kế hoạch chuyển đổi khoảng 74ha đất trồng cây hàng năm hiệu quả kinh tế thấp sang các cây trồng khác phù hợp hơn, trong đó ưu tiên chuyển đất trồng mì sang trồng xoài, chuối.

 

Xã Diên Lâm cũng được huyện giao chỉ tiêu chuyển đổi 65ha trong thời gian tới. Địa phương có một số diện tích lúa nước năng suất thấp do không chủ động được nước tưới. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng cây hàng năm của người dân còn khá lớn nhưng cơ cấu cây trồng lại chưa phù hợp nên không phát huy hiệu quả. Ông Phạm Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Diên Lâm cho biết: “Địa phương xác định sẽ chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả thành vùng chuyên canh cây bưởi da xanh, xoài. Ngoài ra, diện tích đất lúa một vụ sẽ chuyển đổi trồng thêm các cây khác như: bắp, rau màu…”.


Những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Diên Khánh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 1,9%; thu nhập của nông dân được cải thiện… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là ngành trồng trọt. Quy mô sản xuất còn nhỏ, diện tích manh mún nên hạn chế trong việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Những năm gần đây, sản xuất lúa hè thu thường xuyên gặp khó khăn về nước tưới, giá nông sản còn bấp bênh, tình trạng được mùa rớt giá vẫn xảy ra, việc nhân rộng mô hình có hiệu quả kinh tế cao còn chậm…

 

Người dân xã Suối Tiên chuyển đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng chuối phủ bạt cho hiệu quả kinh tế cao

Người dân xã Suối Tiên chuyển đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng chuối phủ bạt cho hiệu quả kinh tế cao

 

Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp


Sản xuất nông nghiệp Diên Khánh đang đặt ra vấn đề chuyển đổi cây trồng như thế nào để phát huy hiệu quả kinh tế và mang lại thu nhập cao cho người dân. Từ thực tế đó, HĐND huyện Diên Khánh vừa thông qua Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, huyện đề ra mục tiêu hình thành những vùng chuyên canh, có sản lượng hàng hóa quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổng diện tích chuyển đổi cây trồng đến năm 2020 hơn 887ha. Trong đó, chuyển đổi hơn 425ha diện tích lúa kém hiệu quả, nguồn nước tưới gặp khó khăn sang trồng các cây hàng năm; chuyển đổi 462ha đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tập trung nhóm cây: xoài, bưởi da xanh, mít, dừa… Huyện cũng từng bước xây dựng và hình thành những vùng chuyên canh cây hàng năm, cây lâu năm như: vùng chuyên canh cây ăn quả ở xã Suối Tiên, Diên Lâm, Diên Đồng, Diên Thọ…; vùng chuyên canh rau ở xã Diên Điền, Diên Sơn… Đặc biệt, huyện sẽ đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đã được UBND tỉnh ghi vào danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách như: vùng sản xuất rau, hoa, cây ăn quả ở xã Diên Sơn (rộng 150ha), Diên Thọ (18ha), Suối Tiên (45ha)…


Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, tổng kinh phí đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 60 tỷ đồng và huyện đã có nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch này. Bên cạnh các nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng quy hoạch; rà soát, điều chỉnh và tăng cường công tác quản lý quy hoạch; thực hiện dồn điền đổi thửa, hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế trang trại; đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu nông sản…, huyện rất chú trọng đến việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các nhà máy chế biến với các vùng nguyên liệu, thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà…

 

MAI HOÀNG