Thời gian qua, hệ thống thủy lợi trong tỉnh Khánh Hòa đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh. Tỉnh đã có định hướng quy hoạch thủy lợi đa mục tiêu nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước bền vững.
Thời gian qua, hệ thống thủy lợi trong tỉnh Khánh Hòa đã góp phần quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh. Tỉnh đã có định hướng quy hoạch thủy lợi đa mục tiêu nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước bền vững.
Đóng góp quan trọng
Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức quốc tế, toàn tỉnh đã xây dựng được 211 công trình thủy lợi các loại phục vụ tưới hơn 18.000ha cây trồng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn phục vụ cấp nước nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt, công nghiệp. Toàn tỉnh có 10 công trình hồ chứa, đập dâng cấp nước thô phục vụ công nghiệp, tổng công suất gần 9 triệu m3/năm; 63 công trình cấp nước hợp vệ sinh cùng các công trình nhỏ lẻ khác nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn lên hơn 93,3%, trong đó đạt quy chuẩn quốc gia là 35,5%... Ngoài ra, các công trình thủy lợi còn góp phần tiêu úng, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ tầng nước ngầm.
Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 17 công trình thủy lợi được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư hơn 1.012 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương hơn 851 tỷ đồng; vốn địa phương hơn 160 tỷ đồng). Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi có bước phát triển với nhiều công nghệ tiên tiến như: công nghệ giám sát điều khiển công trình thủy lợi từ xa (SCADA/MAC), mô phỏng dòng chảy lũ, dòng chảy kiệt, đánh giá chất lượng nước... Chính sự đầu tư hiệu quả vào các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, hạn hán, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, trên địa bàn có 4 hồ chứa nước lớn là: Đá Bàn, Eakrongrou, Suối Trầu và Tiên Du, trong đó Đá Bàn và Suối Trầu xây dựng từ thời bao cấp, gần đây Đá Bàn được nâng cấp trở thành hồ chứa lớn nhất tỉnh (75 triệu m3). Hệ thống thủy lợi trên địa bàn đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cung cấp nước cho các mục tiêu dân sinh, kinh tế mà trước kia các khu vực này là vùng căng thẳng về nước. Theo quy hoạch, thị xã đề xuất tỉnh triển khai xây dựng 2 hồ chứa nước là Buôn Đung (Ninh Tây) và Chà Rang (Ninh Lộc, Ninh Hưng), góp phần hoàn thiện quy hoạch thủy lợi trên địa bàn.
Tại khu vực phía nam, việc đầu tư xây dựng các hồ chứa cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tầng nước ngầm, chống xâm nhập mặn trước diễn biến của biến đổi khí hậu. Ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, quy hoạch thủy lợi góp phần đáng kể trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh trên địa bàn. Các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương đang dần phủ kín khu vực. Hồ chứa nước Tà Rục đang hoàn thiện hệ thống tuyến kênh, góp phần bảo đảm tưới tiêu, mang lại màu xanh cho các vùng đất khô cằn, thiếu nước như Cam Thành Nam.
Tuy nhiên, công tác thủy lợi còn gặp nhiều khó khăn: mùa khô dòng chảy các con sông cạn kiệt, hạn hán đe dọa gần 1/2 diện tích gieo trồng cây hàng năm; một số sông bị xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống người dân; các nghiên cứu trước đây chưa quan tâm đến việc cấp nước phục vụ các ngành kinh tế khác, đặc biệt là khi nhiều khu đô thị, khu du lịch hình thành; các công trình thủy lợi xây dựng đã lâu (15 - 20 năm), quy mô nhỏ, nhiều công trình đã xuống cấp; hai sông lớn trên địa bàn tỉnh thường gây ngập lụt mùa lũ, cần nghiên cứu phương án thủy lợi phòng, chống lũ; nguồn kinh phí chủ yếu huy động từ Trung ương còn nhiều khó khăn nên một số công trình đã phê duyệt dự án đầu tư nhưng chưa thực hiện được; công tác quản lý tài nguyên nước còn chồng chéo…
Bảo vệ, phát triển tài nguyên nước
Theo ông Lê Xuân Thái - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2035 (Quyết định 927 ngày 9-3-2017). Mục tiêu quy hoạch là rà soát, đánh giá hiện trạng thủy lợi; bổ sung giải pháp cấp nước cho các ngành kinh tế, dân sinh; phục vụ mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường; thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đó, toàn tỉnh chia thành 5 vùng thủy lợi: Vạn Ninh; sông Cái Ninh Hòa; sông Cái Nha Trang; Cam Lâm - Cam Ranh và Tô Hạp.
Tổng mức đầu tư phát triển thủy lợi theo Quyết định 927 của UBND tỉnh là hơn 20.500 tỷ đồng, bao gồm: quy hoạch cấp nước hơn 16.300 tỷ đồng; tiêu úng 235 tỷ đồng; chống lũ 3.570 tỷ đồng; tưới tiết kiệm 305 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 9.796 tỷ đồng; tài trợ nước ngoài 822 tỷ đồng; PPP (hợp tác công tư) 5.860 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, gần 11.500 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là 4.725 tỷ đồng; giai đoạn 2025 - 2035 là 4.288 tỷ đồng. |
Các giải pháp phát triển thủy lợi tập trung vào việc cấp nước cho cây trồng và thủy sản (nạo vét sửa chữa 61 công trình, xây dựng mới 66 công trình, bổ sung nguồn nước nuôi trồng thủy sản, sửa chữa, xây mới các đập ngăn mặn..), bảo đảm tưới cho hơn 42.000ha (hơn 18.900ha lúa, hơn 15.200ha màu và cây công nghiệp, hơn 8.000ha cây ăn quả); cấp nước cho các khu đô thị, du lịch, Khu kinh tế Vân Phong và công nghiệp chủ yếu từ các hồ thủy lợi lớn; triển khai xây dựng 2 nhà máy thủy điện Sông Chò 2 và Sông Giang 1, thủy lợi kết hợp thủy điện, nâng tổng công suất lắp máy thủy điện trên địa bàn lên 89,6MW; nạo vét, khơi thông gần 70km tuyến kênh trọng yếu, mở rộng kè bảo vệ 137km để tiêu úng và phòng, chống lũ.
Giai đoạn 2016 - 2025, toàn tỉnh sẽ tiến hành nâng cấp, kiên cố hóa kênh mương 40 công trình thủy lợi (hồ Suối Luồng, Suối Lớn...); xây dựng 27 công trình cấp nước (Đồng Điền, Sông Búng, Chà Rang...); mở rộng, nạo vét tuyến thoát lũ, xây kè bảo vệ, chỉnh trị sông 19 tuyến. Giai đoạn 2021 - 2025, sẽ nâng cấp, kiên cố hóa kênh mương 20 công trình thủy lợi (Suối Sim, Buôn Tương, trạm bơm Diên Lâm 1...); xây 10 công trình cấp nước (Đất Lành, Nước Ngọt, Công Dinh...); mở rộng 36 tuyến kè. Giai đoạn sau 2025, xây dựng 29 công trình cấp nước, mở rộng, nạo vét 36 tuyến...
V.L