Những năm gần đây, diện tích cây keo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) không ngừng tăng đã góp phần vào việc tăng độ che phủ rừng. Huyện cũng đang tích cực tìm đầu ra, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao thu nhập cho người trồng keo.
Những năm gần đây, diện tích cây keo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) không ngừng tăng đã góp phần vào việc tăng độ che phủ rừng. Huyện cũng đang tích cực tìm đầu ra, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao thu nhập cho người trồng keo.
Diện tích tăng nhanh
Ông Hà Vân (xã Cầu Bà) là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với cây trồng này từ nhiều năm nay. Ông Vân cho hay, đã hơn 8 năm nay, gia đình ông liên tiếp trồng keo trên diện tích hơn 2ha; mỗi đợt thu hoạch cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn khoảng 45 triệu đồng/ha. Trước đây, gia đình ông trồng mì trên diện tích này nhưng do độ dốc cao, giá mì lại bấp bênh nên thu nhập thấp. Từ khi chuyển sang trồng keo, thu nhập ổn định hơn. Tại xã Cầu Bà, phong trào trồng keo đang lan nhanh, những hộ vừa mới được bóc tách đất từ lâm trường cũng tìm mua giống keo về trồng.
Bà Xà Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết: “Cây keo rất thích hợp với địa hình đồi dốc ở xã Cầu Bà; đầu tư cho cây keo không lớn, chỉ khoảng 15 triệu đồng/ha, giá keo 3 năm trở lại đây tương đối ổn định… Chính vì thế, cây keo đã được nhiều hộ ở địa phương lựa chọn để phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn xã có hơn 300ha keo. Điều khiến chúng tôi trăn trở nhất là làm sao để giữ lại rừng keo cho người dân, tránh tình trạng bán keo non, keo chưa đến tuổi khai thác”.
Không chỉ xã Cầu Bà, nhiều địa phương khác như: Khánh Đông, Khánh Thượng, Khánh Bình, Khánh Nam… cũng có diện tích keo rất lớn và ngày càng tăng cao. Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: “Nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có 2.000ha, đến năm 2015 có 3.000ha, thì hiện nay, diện tích cây keo của người dân đã lên đến hơn 4.000ha”. Cây keo rất thích hợp để phát triển trên đất lâm nghiệp Khánh Vĩnh, cho thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha keo 4 năm tuổi. Thời gian qua, cây mía kém hiệu quả nên nhiều hộ đã chuyển từ mía sang trồng keo. Bên cạnh đó, những diện tích đất bóc tách từ các lâm trường giao cho người dân thiếu đất canh tác cũng được người dân sử dụng để trồng keo… Đây là những nguyên nhân chính khiến diện tích keo trên địa bàn huyện tăng nhanh.
Theo ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, việc phát triển rừng sản xuất gắn với cây keo của người dân Khánh Vĩnh không chỉ giúp các hộ nâng cao thu nhập mà còn giúp tăng độ che phủ rừng của địa phương. Qua kết quả kiểm kê rừng mới đây, Khánh Vĩnh đã đạt tỷ lệ che phủ rừng 77,9%, tăng 2,9% so với năm 2015.
Tập trung giải quyết đầu ra
Nói về định hướng phát triển cây keo tại Khánh Vĩnh, ông Trường chia sẻ: “Địa phương chỉ chú trọng phát triển diện tích keo trên đất lâm nghiệp, trên đất có độ dốc hơn 150, đất khó có thể phát triển các loại cây trồng khác như: mì, bắp. Đối với những diện tích có thể phát triển các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn thì địa phương khuyến cáo người dân không trồng keo mà trồng các loại cây trồng khác để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân, các địa phương còn mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng keo cho người dân. Huyện còn chú trọng xây dựng các vườn ươm đạt chuẩn, đưa các dòng keo lai F1, keo cấy mô vào trồng để nâng cao năng suất. Đặc biệt, địa phương chú trọng tìm đầu ra cho cây keo để nâng cao thu nhập cho người dân”.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, trước đây, đầu ra cây keo chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu đóng tại TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu; khi đó, có thể keo sẽ mất giá, việc bỏ keo để chạy theo cây trồng khác thường xuyên diễn ra. Trước tình hình này, UBND huyện đã mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đến Khánh Vĩnh đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu để người dân an tâm trồng rừng. Đầu năm 2017 đã có 1 nhà máy chế biến dăm gỗ được đưa vào hoạt động tại Khánh Bình để giải quyết một phần đầu ra cho sản phẩm keo từ rừng trồng. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, giá keo trên địa bàn huyện tương đối ổn định ở mức 1,1 triệu đồng/tấn.
Một vấn đề khác cũng được địa phương quan tâm là tình trạng bán keo non, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Biện pháp được huyện Khánh Vĩnh đưa ra là nâng cao hiệu quả cây keo, tạo đầu ra ổn định cho người dân. Từ đó để các hộ trồng keo nhận thấy lợi ích thiết thực khi trồng loại cây này mà không bán keo non cho thương lái. Huyện cũng đang tích cực đề nghị các công ty thu mua nguyên liệu từ rừng trồng có các chính sách đầu tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Hy vọng, với những biện pháp đồng bộ mà chính quyền địa phương tích cực triển khai trong thời gian qua, cây keo sẽ “bén rễ”, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, góp phần vào việc tăng độ che phủ rừng tại huyện Khánh Vĩnh.
BÍCH LA