09:06, 05/06/2017

Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp

UBND tỉnh vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển các KCN của tỉnh.

UBND tỉnh vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển các KCN của tỉnh.


Chậm phát triển khu công nghiệp


Theo Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, ở Khánh Hòa có 5 KCN. Năm 2013, Thủ tướng đã thống nhất đưa KCN Bắc Cam Ranh ra khỏi quy hoạch nên Khánh Hòa chỉ còn 4 KCN. Tuy nhiên đến nay, chỉ có KCN Suối Dầu (137ha), do Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu làm chủ đầu tư đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động, với diện tích lấp đầy khoảng 80%. KCN Ninh Thủy (207,9ha) do Công ty TNHH Hoàn Cầu Vân Phong làm chủ đầu tư đang thi công hoàn thiện hạ tầng, đã thu hút được 3 dự án mới với vốn đăng ký khoảng 564 tỷ đồng.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có Khu công nghiệp Suối Dầu đáp ứng được yêu cầu phát triển
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có Khu công nghiệp Suối Dầu đáp ứng được yêu cầu phát triển


Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, tình hình phát triển các KCN còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, tình hình thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn chậm. Hoạt động thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào KCN còn nhiều khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng còn kéo dài, chưa đáp ứng được tiến độ dự án đầu tư hạ tầng KCN cũng như các dự án đầu tư thứ cấp.


Đối với chính sách hỗ trợ phát triển KCN, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, tháng 8-2016, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN được tiếp cận vay vốn và được cấp bù lãi suất từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Tuy nhiên, các chính sách này chủ yếu tập trung dự án đầu tư hạ tầng mà chưa có chính sách hỗ trợ các dự án thứ cấp vào KCN; hoặc một số lĩnh vực cần hỗ trợ nhưng chưa được quan tâm, cụ thể là hỗ trợ giải phóng mặt bằng.


Đâu là nguyên nhân?


Trong tờ trình gửi HĐND tỉnh, UBND tỉnh nêu các vướng mắc hạn chế trong phát triển KCN do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Khánh Hòa là địa phương xa các trung tâm phát triển công nghiệp lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Các trung tâm này có nhiều thuận lợi về hạ tầng, nhân lực và khả năng kết nối đến các vùng, các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, so với nhiều địa phương tại hai đầu đất nước, Khánh Hòa chưa có nhiều điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp, chưa tạo được sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư. Thứ hai, việc ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN, doanh nghiệp thứ cấp vào KCN còn hạn chế, như: thiếu chính sách hỗ trợ dự án thứ cấp; chính sách hỗ trợ chưa phong phú; mức hỗ trợ còn hạn chế... Trong khi đó, một số địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp tương đồng như Quảng Ninh, Quảng Ngãi đều ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển KCN như: ưu đãi giá thuê đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư các dự án cấp nước, xử lý nước thải trong KCN…


Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN như: điện, nước… ở Khánh Hòa còn kém và chưa sẵn sàng kết nối; tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN còn chậm, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu các nhà đầu tư, làm hạn chế năng lực thu hút đầu tư. Thủ tục hành chính về đầu tư tại KCN cũng chưa thể thực hiện theo nguyên tắc “một cửa”, “tại chỗ”, “một chỗ đầu mối” nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Một số thủ tục về đất đai, kế hoạch bảo vệ môi trường… nhà đầu tư vẫn phải tự liên hệ các cơ quan có thẩm quyền khác.


Cần cơ chế chính sách riêng


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong những năm 1990 - 2000, Khánh Hòa được coi là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển KCN và cụm công nghiệp. Khi đó, Bình Dương còn ra để học tập kinh nghiệm của Khánh Hòa. Tuy nhiên đến nay, Khánh Hòa đã tụt hậu quá xa, trong khi Bình Dương đã là tỉnh phát triển KCN bậc nhất cả nước. “Chúng ta cần thẳng thắn đánh giá lại mức độ hỗ trợ như vậy là phù hợp trong giai đoạn hiện nay chưa? KCN Ninh Thủy sau hơn 10 năm vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng, chưa có hệ thống điện, nước đồng bộ. Trong khi ở Đồng Nai, hiện nay, họ đã xây dựng chính sách hỗ trợ vài chục tỷ đồng cho mỗi KCN, cụm công nghiệp. Tỉnh Khánh Hòa không mạnh dạn phá rào để có chính sách riêng, mà chỉ thực hiện theo quy định của Trung ương. Chính sách hỗ trợ, cơ chế thủ tục còn bất cập, khó khăn thì rất khó phát triển”, ông Ngoạn nói. Đồng quan điểm, ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho rằng, doanh nghiệp rất quan tâm đến các thủ tục hành chính, vì vậy cần phải có cơ quan đầu mối thực hiện việc này.


Ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Ban Kinh tế - Ngân sách đang khẩn trương làm việc với Sở Công Thương, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và các KCN trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình, xây dựng đề cương nghị quyết chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển KCN trên địa bàn tỉnh. Các chính sách này tập trung chủ yếu về hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình kết nối hạ tầng ngoài hàng rào KCN, thực hiện thủ tục hành chính, đào tạo lao động, phát triển thị trường…


NHẬT THANH