Tại hội thảo ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản vừa được tổ chức tại TP. Nha Trang, các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ngư dân đều khẳng định đèn LED có nhiều ưu điểm trong các chuyến biển. Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi loại đèn này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Tại hội thảo ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản vừa được tổ chức tại TP. Nha Trang, các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ngư dân đều khẳng định đèn LED có nhiều ưu điểm trong các chuyến biển. Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi loại đèn này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Kết quả tích cực
Những năm gần đây, việc ứng dụng ánh sáng trong các nghề khai thác thủy sản phát triển khá nhanh cả về số đội tàu sử dụng lẫn công suất ánh sáng. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trong đội tàu có công suất từ 90CV trở lên trên địa bàn tỉnh, các nghề khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng có 416 chiếc; trong đó, nghề lưới trủ chiếm 37,3%, nghề pha xúc 29,1%, nghề lưới vây 15,1%, nghề câu 10,1% và nghề mành chiếm 3,8%.
Hiện nay, có 3 dạng đèn trong nghề cá được ngư dân trên địa bàn tỉnh sử dụng gồm: đèn tìm cá, đèn dẫn dụ cá và đèn gom cá; các loại đèn được ngư dân sử dụng chủ yếu là đèn cao áp, đèn huỳnh quang. Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Lương (Trường Đại học Nha Trang), ánh sáng là yếu tố quan trọng làm tăng hiệu quả khai thác. Đây là yếu tố quyết định phần lớn năng suất đánh bắt; giảm chi phí đầu tư ngư cụ, giảm chi phí nhiên liệu dò tìm đàn cá, giảm số lao động trên tàu cá. Tuy nhiên, nghề cá tại nhiều địa phương vẫn có quy mô nhỏ, trang bị nguồn sáng trên các tàu tự phát, thiếu đồng bộ… nên hiệu quả sử dụng ánh sáng trong khai thác thủy sản của ngư dân chưa cao. Thời gian gần đây, mô hình ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản đã được triển khai ở một số địa phương như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên… cho thấy hiệu quả tích cực.
Tại Khánh Hòa, các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tiến hành nghiên cứu ứng dụng đèn LED trên tàu lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác thủy sản xa bờ. Ứng dụng này được thực hiện trên tàu lưới vây KH90208TS của gia đình ông Phạm Trên (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) và có đối chứng với tàu sử dụng đèn cao áp truyền thống. Qua 3 chuyến biển đánh bắt thử nghiệm cho thấy, sản lượng của tàu sử dụng đèn LED đạt bình quân 52 tấn/chuyến biển, tàu đối chứng đạt 43,7 tấn/chuyến biển. Về nhiên liệu sử dụng, lượng dầu sử dụng cho máy phát điện tàu KH90208TS bình quân 58,4 lít/đêm, của tàu đối chứng là 88,1 lít/đêm. Ông Phạm Trên cho biết: “Vấn đề khiến tôi hài lòng qua 3 chuyến biển thử nghiệm với đèn LED là sản lượng đánh bắt cao hơn so với các tàu sử dụng đèn cao áp truyền thống; trong khi nhiên liệu sử dụng để phát điện lại giảm đến 1/3. Đây là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả chuyến biển của ngư dân”.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản còn được công ty phối hợp thực nghiệm trên tàu câu cá ngừ đại dương PY90612TS ở Phú Yên, qua chuyến biển 20 ngày chỉ sử dụng 900 lít dầu, tiết kiệm 20% nhiên liệu so với trước; sản lượng khai thác đạt 5 - 6 tấn/chuyến, tương đương các tàu sử dụng đèn cao áp truyền thống. Ngoài ra, các tàu chụp mực ở Bình Định, hay tàu lưới vây kết hợp ánh sáng ở Quảng Nam đều cho thấy hiệu quả cao khi sử dụng đèn LED thay thế đèn truyền thống để vươn khơi khai thác.
Vẫn còn băn khoăn
Hiện nay, vẫn còn không ít ngư dân hoài nghi chất lượng đèn, hiệu quả khai thác khi sử dụng đèn LED. Theo các ngư dân, chất lượng đèn khi ứng dụng vào khai thác thủy sản phải đảm bảo 7 tiêu chí, trong đó độ sáng phải bằng hoặc lớn hơn sản phẩm cùng loại, không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải, chống ăn mòn trong thời gian dài, chịu va đập, tuổi thọ cao, phổ màu phải phù hợp với từng nghề, kín nước. Về hiệu quả khai thác, nếu sản lượng khai thác khi sử dụng đèn LED không thấp hơn đèn truyền thống thì ngư dân sẽ tin tưởng sử dụng. Nhiều ngư dân đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất đèn LED nên triển khai thêm một số mô hình ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản ở các địa phương để ngư dân tin tưởng loại đèn này. Trong khi đó, theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, qua thực nghiệm của các đề tài nghiên cứu, sản phẩm đèn LED có nhiều lợi thế, ưu điểm nhưng tại sao ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư? Câu hỏi này cần được trả lời thì đèn LED mới có thể ứng dụng rộng rãi trong khai thác thủy sản.
Ông Trần Trung Tưởng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, qua thực tế nghiên cứu ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản trên tàu lưới vây ở tỉnh Quảng Nam cho thấy, nếu ngư dân chuyển đổi từ hệ thống đèn truyền thống sang đèn LED (với giá trị đầu tư khoảng 300 triệu đồng đối với tàu công suất 450CV) thì chỉ sau 1 năm ứng dụng đèn LED, ngư dân có thể thu hồi được vốn. Thực tế, giá đầu tư hệ thống đèn LED chỉ tương đương với chi phí đầu tư hệ thống đèn cao áp loại tốt mà ngư dân đang sử dụng. “Về chất lượng, sản phẩm đèn LED Rạng Đông đảm bảo 7 tiêu chuẩn mà ngư dân đặt ra. Để khuyến khích ngư dân ứng dụng đèn LED vào khai thác thủy sản, công ty mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở các địa phương xây dựng các mô hình ứng dụng, công ty sẽ hỗ trợ để đưa sản phẩm vào thực tiễn sản xuất của ngư dân. Để tăng hiệu quả đầu tư, ngư dân nên đầu tư hệ thống đèn LED ngay từ khi đóng mới tàu cá”, ông Tưởng nói.
Theo ông Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học, ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản là hướng đi đúng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện thêm. Thời gian tới, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục vào cuộc để đèn LED có thể sớm ứng dụng rộng rãi, được ngư dân tin tưởng sử dụng trong quá trình khai thác thủy sản.
BÍCH LA