Ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không đúng quy định với người lao động (NLĐ) là thực trạng tồn tại khá phổ biến tại nhiều doanh nghiệp (DN)...
Ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không đúng quy định với người lao động (NLĐ) là thực trạng tồn tại khá phổ biến tại nhiều doanh nghiệp (DN). Qua kiểm tra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB-XH) đã yêu cầu các DN vi phạm chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
Để né thực hiện các chế độ (bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác có liên quan…) cho NLĐ, hiện nay, nhiều DN chỉ ký HĐLĐ mùa vụ với NLĐ. Nhiều lao động làm việc hơn 10 năm vẫn là hợp đồng có thời hạn. Tuy vậy, do hạn chế hiểu biết pháp luật, NLĐ vẫn làm việc bình thường mà không biết quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. HĐLĐ ký với NLĐ cũng ít được quan tâm khi nhiều DN ghi chưa cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động như: công việc phải làm, hình thức trả lương, phụ cấp lương, thời gian làm việc…
Tại Công ty Cổ phần Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang, qua kiểm tra, Sở LĐ-TB-XH kết luận: Qua kiểm tra HĐLĐ có 3 trường hợp bảo vệ vào làm việc tại DN từ năm 2011 ký trên 2 lần loại HĐLĐ xác định thời hạn là không đúng quy định và 1 trường hợp bảo vệ ký hợp đồng thuê lao động không đúng quy định thời hạn hợp đồng. Ngoài ra, HĐLĐ ký với NLĐ chưa ghi cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động như: hình thức trả lương, các khoản bổ sung khác; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của NLĐ trong quá trình thực hiện hợp đồng; chế độ nâng ngạch, bậc lương, nâng lương…
Đáng chú ý, nhiều DN có số lượng NLĐ bị ký HĐLĐ không đúng quy định khá lớn, chiếm từ 60 đến 80% trên tổng số lao động hiện có, như: Công ty Cổ phần Chế biến Lâm Thủy sản Khánh Hòa (TP. Nha Trang), Công ty TNHH Hiệp Hưng (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh), Công ty TNHH Plus Việt Nam (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa)…
Tại Công ty Cổ phần Chế biến Lâm Thủy sản Khánh Hòa, qua thanh tra, Sở LĐ-TB-XH phát hiện có 195 trường hợp ký HĐLĐ không đúng loại (ký trên 2 lần loại HĐLĐ xác định thời hạn). Cụ thể, một số trường hợp như: lao động H.T.H.L làm việc từ tháng 7-1997, nhưng ký đến 9 lần HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; lao động L.V.N làm việc từ tháng 2-2001, nhưng ký đến 7 lần HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đã yêu cầu công ty này rà soát lại 195 trường hợp nói trên, ký lại loại HĐLĐ cho đúng quy định tại Điều 22, Bộ luật Lao động.
Tại Công ty TNHH Hiệp Hưng (chuyên sản xuất bao bì giấy, in bao bì, nhãn mác mang tính thương mại), qua thanh tra, Sở LĐ-TB-XH phát hiện, tổng số lao động làm việc tại DN là 196 người nhưng đơn vị ký HĐLĐ chưa đúng loại đối với 162 lao động. Trong đó, 138 trường hợp đang ký HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng nhưng đã vào làm việc từ năm 2003, 2008, 2010, đúng ra phải ký hợp đồng vô thời hạn nhưng công ty không thực hiện; 24 trường hợp đang ký hợp đồng thời vụ đã quá 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ mùa vụ hết hạn hoặc làm công việc có tính chất thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mà vẫn đang làm việc tại DN. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, tại DN này, HĐLĐ ký với NLĐ cũng ghi chưa cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động như: công việc phải làm; hình thức trả lương, phụ cấp lương; thời gian làm việc…
Xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Hữu Thái - Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho biết, các DN lách luật bằng cách “ký chuỗi HĐLĐ” (HĐLĐ thời vụ) đối với công việc mang tính chất thường xuyên lâu dài, dù NLĐ đã làm việc 10 năm nhưng họ bị thiệt thòi vì không được tham gia BHXH. Nếu kiểm tra, phát hiện, DN sẽ bị xử phạt theo quy định. NLĐ ký đến HĐLĐ thứ 3 thì phải là HĐLĐ không xác định thời hạn.
Theo ông Thái, đối với HĐLĐ không xác định thời hạn, trong thời gian DN bị gián đoạn hoạt động vì lý do nào đó, nhưng xác định đó là lỗi của DN, không phải lỗi của NLĐ thì theo quy định, DN vẫn phải trả lương đầy đủ cho NLĐ trong thời gian đó. Đó gọi là lương mất việc. “Nếu NLĐ không được trả lương và ngưng đóng BHXH thì họ có quyền phản ứng, kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý để đảm bảo quyền lợi. Lý do, NLĐ bị mất việc làm là do DN và họ cũng chưa tuyên bố phá sản, chưa thanh lý HĐLĐ”, ông Thái nói.
Được biết, Sở LĐ-TB-XH đã đề nghị các DN vi phạm sửa đổi, bổ sung toàn bộ HĐLĐ đã ký kết với NLĐ sao cho thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Vĩ Cầm