08:06, 19/06/2017

Khai thác rong mơ: Cần kết hợp với bảo vệ nguồn lợi

Rong mơ đang là một trong những nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập khá ổn định đối với người dân vùng biển thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Vì vậy, địa phương đã thành lập các tổ cộng đồng nhằm giúp người dân khai thác hợp lý và bảo vệ hệ sinh thái.

 

Rong mơ đang là một trong những nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập khá ổn định đối với người dân vùng biển thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Vì vậy, địa phương đã thành lập các tổ cộng đồng nhằm giúp người dân khai thác hợp lý và bảo vệ hệ sinh thái.


Người dân Ninh Phước, Ninh Vân, Ninh Thủy đang vào vụ khai thác rong mơ. Mỗi ngày, có hơn 50 thuyền với gần 100 người dân khai thác rong. Đàn ông thì lặn vớt rong, phụ nữ và trẻ em vận chuyển lên bờ, phơi khô. Trên bờ, từng ụ rong khô to được dồn thành đống chờ chuyển đến vựa.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng (tổ dân phố Bá Hà, phường Ninh Thủy) cho biết, trước đây, rong mơ hầu như chẳng có giá trị kinh tế gì vì không ai thu mua. Mấy năm gần đây, khi các thương lái Trung Quốc thu mua rong nhiều thì người dân ven biển rộ lên đi khai thác. Do thu nhập khá nên người làm nghề lặn rong tăng lên đáng kể. Năm nay, rong mơ phơi khô vận chuyển đến vựa thu mua có giá từ 6.000 đến 7.500 đồng/kg. Theo ông Võ Minh Thịnh (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước), năm nay, giá thu mua rong mơ cao hơn các năm trước hơn 2.500 đồng/kg nên mỗi hộ có thu nhập từ 500.000 đến 700.000 đồng/ngày.


Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều khu vực tại Ninh Hòa có rong mơ như: Hòn Mỹ Giang, Hòn Khô, Rạn Ngầm (xã Ninh Phước); Bãi Cỏ, Bãi Dài, Bãi Bàng, Rạn Chảo (Ninh Vân)... Khai thác rong mơ giúp người dân vùng biển có thu nhập ổn định hơn so với đánh bắt xa bờ. Từ năm 2014 đến nay, chi cục phối hợp với các xã tuyên truyền, thành lập các tổ cộng đồng vừa khai thác vừa giữ gìn tài nguyên rong mơ (2 - 3 tổ/xã) nhằm giúp người dân khai thác hợp lý, đảm bảo sinh kế, bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống của sinh vật biển. Trong đó quy định, những tổ cộng đồng được phép khai thác rong mơ tại các khu vực mình quản lý, thời gian từ ngày 15-4 đến 15-10 hàng năm; khai thác rong theo luống; khi cắt rong phải để lại gốc bám và đoạn thân dài khoảng 10 - 15cm để duy trì sự phát triển của rong...


Theo ông Đỗ Kim Hùng - Trưởng thôn Mỹ Giang, Trưởng ban Tổ đồng quản lý khai thác rong mơ xã Ninh Phước, trên địa bàn xã có 3 tổ cộng đồng khai thác rong (11 - 15 người/tổ). Ngay từ đầu mùa, chính quyền xã, thôn mời các thành viên, chủ phương tiện khai thác rong mơ họp, tuyên truyền thực hiện quy tắc khai thác bền vững, không khai thác sớm, đảm bảo năng suất. Đồng thời, tuyên truyền tại các cơ sở thu mua không nhập rong non, chỉ mua rong đủ độ lớn, đảm bảo chất lượng.

 

Phơi rong sau khai thác tại xã Ninh Phước

Phơi rong sau khai thác tại xã Ninh Phước

 

Trên địa bàn xã Ninh Vân có hơn 20 ghe khai thác rong, mỗi ghe 3 - 4 lao động. Ông Nguyễn Văn Ánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân cho biết: “Hội tập trung tuyên truyền cho ngư dân vào đầu mùa khai thác (2 lần/năm). Đến nay, tình trạng người dân cắt rong non đã giảm, khai thác đúng mùa vụ; nhận thức của cộng đồng về khai thác, bảo tồn hiệu quả nguồn lợi rong mơ được nâng lên”.


Tuy nhiên, theo một người dân ở Ninh Thủy cho biết, tuy người dân được tuyên truyền khai thác bền vững, nhưng vì lợi nhuận, không ít người khai thác bừa bãi, thậm chí rong chưa đến 1 gang tay cũng bứt. Bên cạnh đó, năng suất rong cũng giảm do thời tiết không thuận lợi, nước biển ô nhiễm.


Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nếu khai thác rong quá mức, môi trường biển sẽ mất đi sự cân bằng sinh thái vì các loài sinh vật biển mất chỗ trú ngụ và sinh sản. Người dân cần tuân thủ thời gian, kỹ thuật thu hoạch rong mơ. Bên cạnh sự quản lý, tuyên truyền của ngành, rất cần các địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho tổ cộng đồng khai thác rong mơ và người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.


H.Q