Theo chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, có 5 nội dung chính cần thực hiện. Đó là, xem xét và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; bảo vệ và phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập quyền; ...
5 nội dung cần làm
Theo chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, có 5 nội dung chính cần thực hiện. Đó là, xem xét và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; bảo vệ và phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập quyền; đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu; áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm xác lập quyền; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, xác định thị trường, tiềm năng xuất khẩu ra nước ngoài để lập thủ tục đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu. Việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng được thực hiện song song, trong đó sẽ áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, các tiêu chuẩn tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 9001… để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Các hoạt động phục hồi, phục tráng, chọn lọc giống cây trồng, cải thiện kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu bệnh và thu hái, bảo quản sau thu hoạch, đổi mới công nghệ chế biến, xây dựng mô hình cũng như tập huấn chuyển giao nhân rộng cũng được quan tâm. Ngoài ra, việc nghiên cứu thị trường xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu cũng được triển khai với nhiều hoạt động như: nghiên cứu thị trường, ngành hàng và hỗ trợ phát triển hoạt động tiếp thị, phát triển thị trường; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị sản phẩm trong các lễ hội văn hóa địa phương; tổ chức xây dựng và kết nối chuỗi phân phối; đa dạng hóa các hình thức quảng bá thương hiệu qua các kênh thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các trang thông tin điện tử nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm cho các tổ chức sử dụng, quản lý và khai thác nhãn hiệu; xúc tiến tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các buổi công bố thương hiệu, trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu tại các địa phương trong nước… Tất cả các hoạt động này nhằm thực hiện tốt mục tiêu của chương trình là xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu mang tính cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; nâng cao nhận thức cộng đồng, các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc trưng trong việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu và giá trị sản phẩm…
Nhiều sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), hiện nay, sở đang triển khai hoạt động hỗ trợ các địa phương phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua việc đăng ký thực hiện hoặc đề xuất dự án theo kế hoạch từng năm (từ 2017 đến 2020) cho những nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ. Đó là 3 nhãn hiệu chứng nhận: Sầu riêng Khánh Sơn, Yến sào Nha Trang, Xoài Cam Lâm và 3 nhãn hiệu tập thể: Nước mắm Nha Trang, Dừa xiêm Ninh Đa và Hoa Cúc Ninh Giang. Ngoài ra, từ năm 2017, sở tổ chức 2 hội đồng xét duyệt thuyết minh dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể Táo Cam Thành Nam và Bưởi da xanh Khánh Vĩnh. Trong thời gian tới, bên cạnh việc bảo vệ và phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập quyền, sở sẽ tiếp tục xem xét đề xuất từ các địa phương đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho những sản phẩm đặc trưng như: tôm hùm Bình Ba, tỏi sẻ Vạn Ninh, dừa xiêm Tuần Lễ, hoa mai vàng Nha Trang, rau an toàn Nha Trang, tỏi sẻ Ninh Vân, mía tím Khánh Sơn, vú sữa Diên Bình…
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian qua, việc phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy hơn nữa nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân về vai trò và phát triển thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, chương trình vẫn đang gặp một số khó khăn mà các bên cần quan tâm. Đó là thực trạng quy mô sản xuất các sản phẩm hiện nay còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư tốt cho các khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển; chưa có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nguồn tiêu thụ chưa ổn định, chưa đảm bảo về đầu ra, giá cả. Nhiều người dân còn phụ thuộc vào thương lái, còn tư duy bán chạy, bán đuổi giá và mất chi phí cho các khâu trung gian, môi giới bán sản phẩm lớn; không kiểm soát được quy mô sản xuất, chất lượng và năng suất, đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp, quá trình sản xuất ảnh hưởng rất nhiều rủi ro bởi thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giống và các yếu tố đầu vào khác cũng như chăm sóc. Bên cạnh đó, việc quản lý và bảo vệ phát triển uy tín thương hiệu trong quá trình quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm kinh nghiệm còn hạn chế; chưa huy động được mọi nguồn lực xây dựng thương hiệu từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội; sự quan tâm và phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, cơ quan chức năng chưa đồng bộ trong việc đứng ra tổ chức tốt các kênh tiêu thụ sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng nhằm loại bỏ khâu trung gian…
Để tiếp tục thực hiện chương trình hiệu quả, trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tiếp tục đề xuất tỉnh hỗ trợ trong công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm; đưa thông tin về sản phẩm lên phương tiện thông tin đại chúng để khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn; đồng thời đưa các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa vào danh mục Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
M.T