08:06, 19/06/2017

Đề xuất cho nông dân ra nước ngoài học tập

Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng đề án đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản ở nước ngoài.

Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng đề án đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản ở nước ngoài. Đề án nhằm giúp nông dân trang bị kiến thức, kinh nghiệm, có cái nhìn mới về nền sản xuất nông nghiệp hiện đại gắn với tiêu thụ sản phẩm.


Đi một ngày đàng…


Trên diện tích chừng 20ha từng là đất đồi bạc màu, bằng kiến thức, vốn liếng và tâm huyết của mình, bà Kim Hoa, chủ trang trại cây ăn quả Kim Kim Hoa ở thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh đã từng bước cải tạo đất, trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi và xoài, xen vào đó là mít Thái, mít ruột đỏ, ổi không hạt, sầu riêng, mận... Mỗi năm, trang trại của bà cho thu nhập hàng tỷ đồng. “Kiến thức về cây trồng có thể học hỏi trong nước, nhưng cách làm thì tôi phải đi học từ một số nước phát triển về nông nghiệp như: Nhật Bản, Úc…”, bà Hoa nói.

Bà Hoa là một trong số ít nông dân Việt Nam đưa cây ăn quả vào nhà kính khi bà học hỏi được từ các nhà vườn ở Nhật Bản. Không chỉ học hỏi được phương thức canh tác hiện đại, an toàn, trang trại Kim Kim Hoa còn hướng đến việc mở các tour du lịch nhà vườn như cách mà nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển đang vận hành. “Chất lượng và an toàn là yếu tố mà nhà vườn phải cam kết, xây dựng thương hiệu cho mình khi triển khai. Mô hình hoạt động này tôi cũng học hỏi được trong các chuyến đi nước ngoài”, bà Hoa cho biết.


Ông Nguyễn Thanh Lộc ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa đang tu nghiệp tiến sĩ ở Canada thì bị “mê hoặc” bởi cách làm nông nghiệp của nông dân đất nước này. Để rồi thay vì bảo vệ luận án tiến sĩ, ông Lộc rẽ ngang sang trồng rau sạch, trở về làm giàu từ những vườn rau sạch trên mảnh đất quê hương mình. “Ngoài trình độ sản xuất cao hơn mình rất nhiều, yếu tố chất lượng, môi trường và ý nghĩa của việc trồng rau sạch đã thuyết phục tôi bỏ luôn việc học tiến sĩ để học cách trồng rau sạch”, ông Lộc kể.


Hiện nay, Công ty Hiệp Nông Phát của ông Lộc đang sở hữu 5 vườn rau tại xã Ninh Thân, tổng cộng khoảng 2ha, trồng chủ yếu các loại rau như: mồng tơi, cải ngọt, cải đắng, rau dền, diếp cá, bồ ngót… Sản phẩm của doanh nghiệp đang được tin dùng tại các bếp ăn tập thể, nhất là các trường học bán trú, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn trong toàn tỉnh. Tất nhiên, phương thức, cách nghĩ và quan điểm về làm nông nghiệp của ông Lộc cũng rất hiện đại, chuyên sâu theo một mô hình khép kín từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phần lớn kiến thức ông Lộc có được từ những tháng ngày học hỏi từ đất nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới như Canada.

 

Thu hoạch bưởi da xanh ở trang trại Kim Kim Hoa

Thu hoạch bưởi da xanh ở trang trại Kim Kim Hoa

 

Cần thiết nhưng…


Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững gắn với thị trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Một trong những giải pháp quan trọng đó là người nông dân phải “trăm nghe không bằng một thấy” từ những mô hình, những cách làm hiện đại, hiệu quả. Cụ thể, các chuyến đi sẽ giúp nông dân học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo từng ngành nghề, xác định thị trường, đặc điểm mô hình, tiềm năng, lợi thế, cách thức hợp tác… để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại Khánh Hòa.


Theo dự thảo đề án, mỗi năm sẽ tổ chức 1 chuyến đi học tập nước ngoài cho 15 người. Trong đó, có nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, thực hiện các chuyến đi đến Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc; mỗi năm đi 1 nước, với tổng chi phí trong 3 năm là 2,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ  80% chi phí cho nông dân, tổ chức đại diện nông dân, doanh nghiệp. Tại các chuyến đi, nông dân sẽ được học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các loại rau an toàn, nấm ăn, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại; đánh bắt hải sản, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; cách thức quản lý trang trại quy mô lớn. Đồng thời, các thành viên còn được tiếp cận các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; gặp gỡ các đơn vị sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy giao thương nông sản; tiếp xúc các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp để trao đổi, tìm hiểu về chủ trương, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Hội Nông dân tỉnh mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, đề án cần được xây dựng theo hướng để cho người nông dân chủ trì, các sở, ngành, Hội Nông dân chỉ hỗ trợ, định hướng”.


Nói cách khác, tỷ lệ Nhà nước 80% và nông dân 20% chi phí đi học tập nước ngoài có lẽ cần được tính toán lại. Nhà nước chỉ đóng vai trò khuyến khích, tạo điều kiện với một phần kinh phí cơ bản, còn người nông dân với nhu cầu học tập mô hình, tìm hiểu để mở rộng quy mô, cách thức vận hành… hiện đại hơn cần có sự đầu tư nhiều hơn cho những chuyến đi hứa hẹn rất hữu ích này.


H.Đ