11:05, 02/05/2017

Xã Cam Thành Nam: Thí điểm trồng táo VietGAP

Cây táo du nhập vào xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) khoảng 10 năm nay, trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.

Cây táo du nhập vào xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) khoảng 10 năm nay, trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. Để giúp nông dân nâng tầm giá trị, phát triển thương hiệu sản phẩm, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang thí điểm trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương này.


Giá táo bấp bênh


Cũng như nhiều loại nông sản khác tại Khánh Hòa, cây táo ở xã Cam Thành Nam nhiều năm nay vẫn loay hoay với điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.  Nhờ thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, giống táo ở xã Cam Thành Nam (được đem từ Ninh Thuận về trồng) đã sinh trưởng, phát triển tốt, quả ngọt và giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm trước, giá táo ở mức từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg, nông dân trồng khoảng 10.000m2 táo có thể lãi trên dưới 100 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do giá táo khá bấp bênh, có năm chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg nên nhiều gia đình bị thua lỗ, không thể duy trì diện tích.

 

Ông Hồ Văn Niệm (thôn Quảng Hòa) cho biết, cách đây 10 năm, ông chuyển 10.000m2 đất trồng mía sang trồng táo. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 50 tấn táo chủ yếu bán cho thương lái. Tuy nhiên, có những năm giá táo rớt thê thảm. Ông Niệm cho rằng, táo Cam Thành Nam chưa có nhãn hiệu nên nhiều khi bị thương lái ép giá, nông dân bị thua thiệt nhiều.


 Dẫn chúng tôi đi dọc cánh đồng trồng táo ở thôn Quảng Hòa, ông Huỳnh Văn Thượng, cán bộ khuyến nông xã Cam Thành Nam chỉ vào những ruộng bỏ hoang còn trơ trọi gốc táo cho biết, do giá táo rớt thê thảm liên tục, nên một số hộ không còn vốn để duy trì sản xuất, đành bỏ hoang chờ thời cơ hoặc chuyển sang trồng mảng cầu, xoài. Bên cạnh đó, vài năm gần đây, táo ở Cam Thành Nam bị ruồi vàng chích nên năng suất và chất lượng giảm đáng kể. “Cách đây 7 năm, tổng diện tích táo toàn xã hơn 100ha, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 60ha. Nhiều người kỳ vọng vào cây táo, đã đầu tư với số tiền lớn, nhưng đầu ra không ổn định, giá cả lại bấp bênh, dịch bệnh hoành hành mà chưa có giải pháp ngăn chặn nên đành chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Thượng cho hay.

 

Vườn táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Hồ Văn Niệm

Vườn táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Hồ Văn Niệm

 

Thí điểm trồng theo quy trình VietGAP


Chúng tôi đến nhà ông Hồ Văn Niệm khi ông đang chuẩn bị làm lưới che chắn côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng, tại vườn táo rộng 2.000m2. Ông Niệm hồ hởi khoe, đây là vườn táo được Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao chọn để thực hiện thí điểm theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình ông được cấp hệ thống tưới nước tiết kiệm và lưới để che côn trùng. Tất cả các khâu từ giống táo, quy trình tưới, bón phân, phun thuốc trừ sâu đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Vườn táo hiện nay phát triển rất tốt, đang ra hoa để chuẩn bị đến mùa thu hoạch vào tháng 6 tới. “Dùng hệ thống tưới tiết kiệm giúp người trồng táo không tốn công sức mà nước lại thấm, lâu khô khiến vườn táo lúc nào cũng có nước. Chỉ cần xả nước khoảng 3 giờ thì vườn táo ướt 3 ngày, rất thích hợp với vùng khô hạn như Cam Thành Nam”, ông Niệm cho hay.


Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tình cũng đang chăm sóc vườn táo được chọn trồng theo quy trình VietGAP của mình. “Nông dân ở đây khi trồng táo sợ nhất là thiếu nước tưới và bệnh ruồi vàng. Trồng theo quy trình này thì cả 2 vấn đề đều được giải quyết. Trước kia, táo của chúng tôi chỉ bán cho thương lái với giá rất rẻ. Hy vọng trồng theo quy trình VietGAP, chất lượng táo cao hơn, chúng tôi có thể đưa táo vào các siêu thị, giá cả ổn định, đời sống bà con cũng được cải thiện”, ông Tình tâm sự.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây táo, UBND TP. Cam Ranh đã đề xuất với Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ địa phương xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể táo Cam Thành Nam. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu năm 2017, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao đã chủ trì thực hiện thí điểm phương pháp trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại 3 hộ ở thôn Quảng Hòa (xã Cam Thành Nam), mỗi hộ áp dụng trên diện tích 2.000m2, có độ tuổi từ 3 đến 5 năm. Cuối năm nay, sau khi thu hoạch táo tại 3 hộ này, trung tâm cùng TP. Cam Ranh sẽ đánh giá về hiệu quả, đồng thời tổ chức hội nghị đầu bờ với sự tham gia của khoảng 150 hộ, để từ đó triển khai mở rộng mô hình trồng táo VietGAP tại địa phương.


“Đây là bước khởi đầu để xây dựng nhãn hiệu táo Cam Thành Nam. Khi đã có nhãn hiệu, được sản xuất đúng quy trình, hy vọng táo Cam Thành Nam sẽ được quảng bá rộng rãi, thị trường mở rộng, giá cả ổn định, thu nhập của người trồng táo sẽ khá hơn”, ông Hải kỳ vọng.


NHẬT THANH