Giai đoạn 2015 - 2016, Trạm Khuyến nông huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm tìm ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương để làm cơ sở nhân rộng cho người dân.
Giai đoạn 2015 - 2016, Trạm Khuyến nông huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm tìm ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương để làm cơ sở nhân rộng cho người dân.
Triển vọng
Anh Hà Minh Thẩm, thôn A Pa II, xã Thành Sơn cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Tháng 7-2016, tôi được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật… để thực hiện mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh. Trên diện tích 0,5ha, tôi trồng 250 cây bưởi, hiện nay phát triển khá tốt, tỷ lệ cây sống đạt 100%”. Theo anh Thẩm, bưởi da xanh là loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân trong huyện đã trồng và có thu nhập khá. Vì vậy, khi được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ mô hình, gia đình anh rất phấn khởi và cố gắng chăm sóc vườn bưởi với hy vọng giúp anh vươn lên thoát nghèo.
Ông Tạ Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho hay: “Thực hiện mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh do Trạm Khuyến nông huyện triển khai, năm 2016, toàn xã có 7 hộ được hỗ trợ để trồng 2,8ha bưởi; hiện nay, toàn bộ diện tích trồng bưởi đều phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao. Diện tích trồng bưởi trước đây chủ yếu được người dân trồng lúa nhưng năng suất rất thấp. Vì thế, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi được địa phương kỳ vọng thúc đẩy kinh tế của các hộ nghèo trên địa bàn xã. Khi tổng kết, đánh giá mô hình này, địa phương sẽ có hướng nhân rộng cho các hộ khác trong xã”.
Trước đó, triển khai mô hình trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi, trong năm 2015, có 2 hộ ở xã Sơn Hiệp và Sơn Trung được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ mỗi hộ 1.400kg giống cỏ lai VA06, 140kg phân bón các loại (người dân đối ứng thêm 50% phân bón) để trồng 0,1ha loại cỏ này. Qua trồng thí điểm, loại cỏ VA06 thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương, bình quân 45 ngày thu hoạch một đợt, ước năng suất đạt 30 tấn/0,1ha/năm. Theo lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện, mô hình trồng cỏ VA06 cho năng suất và hiệu quả rất cao, hiện nay, đã có người dân ở các xã khác đến liên hệ với các hộ thực hiện mô hình để mua giống cỏ này về trồng. Trạm đã kiến nghị các địa phương có định hướng nhân rộng mô hình để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc của các xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Khánh Sơn, giai đoạn 2015 - 2016, từ kinh phí khuyến nông hơn 157 triệu đồng, trạm đã triển khai thực hiện 8 mô hình thí điểm nông nghiệp cho người dân các địa phương trong huyện. Cùng với đó, trạm đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân.
Sẽ nhân rộng mô hình hiệu quả
Các mô hình được triển khai tại Khánh Sơn gồm: trồng cây mắc ca (2ha), cây bơ Booth (2ha), cây hồ tiêu ghép gốc tiêu rừng (0,2ha), trồng rau sạch (0,5ha), trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi (0,2ha), tái canh cây cà phê bằng phương pháp ghép chồi (2ha), trồng thâm canh bưởi da xanh (2,8ha) và mô hình nuôi vỗ béo bò (4 con). |
Qua kiểm tra, đánh giá một số mô hình như: bưởi da xanh, cây mắc ca, cỏ VA06, vỗ béo bò, trồng rau sạch… đã cho thấy sự thích nghi, chiều hướng phát triển tốt, có thể nhân rộng cho người dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết nắng hạn trong năm 2015 - 2016, nên một số mô hình như: cây bơ Booth, tái canh cà phê chưa phát huy được hiệu quả, cây sinh trưởng chậm. “Việc thí điểm các mô hình nhằm tìm ra giống cây trồng, quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác hợp lý, thích hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua đó, hướng dẫn và đưa các giống mới có năng suất cao đến nông dân, góp phần cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn.
Mới đây, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Khánh Sơn đã tiến hành khảo sát, giám sát kết quả thực hiện các mô hình thí điểm về phát triển kinh tế - xã hội và công tác chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện. Từ kết quả triển khai các mô hình, ban kiến nghị UBND huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông và các địa phương nơi thực hiện mô hình thí điểm tăng cường phối hợp trong công tác theo dõi, quản lý; khi kết thúc phải có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện từng mô hình, nếu hiệu quả thì đề xuất nhân rộng. Bên cạnh đó, hàng năm, UBND huyện cần dành một phần kinh phí để tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi và một số cây công nghiệp như: hồ tiêu, cà phê, mía tím… Trạm Khuyến nông cần xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện đối với từng mô hình trình diễn cụ thể, trước khi trình UBND huyện thẩm định phê duyệt kế hoạch khuyến nông hàng năm; đề xuất UBND huyện nhân rộng các mô hình đã triển khai hiệu quả…
HẢI LĂNG