Theo đánh giá của Sở Xây dựng, sau gần 1 năm thực hiện "Đề án phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020" của UBND tỉnh, việc sử dụng VLXKN, tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công đang rất khả quan.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, sau gần 1 năm thực hiện “Đề án phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020” của UBND tỉnh, việc sử dụng VLXKN, tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công đang rất khả quan.
Triển khai đề án trên diện rộng
Sau khi đề án được duyệt, Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công tại đề án. Theo báo cáo, đề xuất của Sở Xây dựng, ngày 8-2, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong đề án đúng quy định, đảm bảo có hiệu quả. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính thẩm định, bố trí kinh phí cho các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định theo kế hoạch và đề án được duyệt.
Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, năm 2016, Sở Xây dựng đã hoàn thành một số nội dung của đề án như: tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện những nội dung liên quan đến đề án... Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với Trường Đại học Nha Trang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh với đề tài “Quy trình sản xuất chất kết dính geopolymer và sử dụng để sản xuất gạch không nung trên cơ sở cốt liệu đất đồi, đá non, đá mi bụi tại Khánh Hòa”. Mục tiêu của đề tài là tìm ra chất kết dính thay thế chất kết dính từ các nguồn nguyên liệu trong nước có khả năng ứng dụng trong sản xuất VLXKN.
Cơ sở gạch không nung phát triển mạnh
Theo Sở Xây dựng, sau gần một năm triển khai thực hiện đề án, phần lớn các tổ chức, cá nhân đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và xu hướng sử dụng VLXKN, vật liệu xanh và thân thiện với môi trường. Đến nay, trên địa bàn một số huyện, thành phố đã không còn tồn tại các lò gạch thủ công.
2 huyện Vạn Ninh và Diên Khánh còn 2 lò đã ngừng hoạt động và đang chuyển sang sản xuất gạch xây không nung. Riêng Ninh Hòa mới có 5 cơ sở ngừng hoạt động, hiện nay vẫn còn 54 cơ sở với hơn 100 lò gạch thủ công đang hoạt động.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, khoảng 2 năm nay, các cơ sở sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 29 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất VLXKN, trong đó tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh… Tuy nhiên, tình hình đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Quy cách và chất lượng gạch còn có cơ sở chưa đảm bảo, kỹ thuật xây của người thợ còn gặp nhiều bỡ ngỡ nên chưa giải quyết được vấn đề hiệu quả và thẩm mỹ.
Mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, sẽ sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 40%, chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. |
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án, ngày 10-3, Sở Xây dựng đã họp triển khai nội dung kế hoạch thực hiện đề án với các sở, ban, ngành và các địa phương trong năm 2017. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, sở sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu về dây chuyền sản xuất gạch không nung; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn giới thiệu các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan nhằm nâng cao nhận thức về VLXKN; tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất gạch xây không nung, tìm hiểu dây chuyền sản xuất phù hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh…
Vấn đề nan giải hiện nay là việc chấm dứt các lò gạch thủ công tại xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa). Theo lãnh đạo thị xã Ninh Hòa, hiện thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung; xây dựng kế hoạch, thống kê, lập kinh phí hỗ trợ tháo dỡ 80 lò gạch thủ công, đối với loại lò đứng trên địa bàn thị xã. Trong năm 2017, thị xã sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đào tạo, chuyển đổi nghề cho hơn 300 lao động tại các lò gạch nêu trên, với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.
“Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều công trình đã sử dụng gạch không nung để xây dựng, đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách, như: Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế TP. Nha Trang, nhà thi đấu thể thao, các công trình cao tầng dọc đường Trần Phú… Có thể khẳng định, người dân và các đơn vị xây dựng đã dần quen với việc sử dụng VLXKN. Hy vọng thời gian tới, việc sử dụng VLXKN sẽ ngày càng phổ biến trên thị trường”, ông Châu cho biết.
NHẬT THANH