Hiện nay, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn không được hưởng chính sách hỗ trợ tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Nhiều người cho rằng, chính sách này đang đi ngược với chủ trương phát triển ngành chăn nuôi. Thực tế không phải vậy.
Hiện nay, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn không được hưởng chính sách hỗ trợ tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Nhiều người cho rằng, chính sách này đang đi ngược với chủ trương phát triển ngành chăn nuôi. Thực tế không phải vậy.
Nuôi nhỏ lẻ có nguy cơ dịch bệnh cao
Những năm trước đây, dịch heo tai xanh và dịch cúm gia cầm đã không ít lần làm điêu đứng ngành chăn nuôi của Khánh Hòa. Trên đàn heo, bệnh heo tai xanh từng xuất hiện 4 đợt lớn vào các năm: 2007, 2010, 2011 và 2012, khiến cho gần 20.000 con heo buộc phải tiêu hủy. Trong đó, đợt dịch năm 2010 khiến hơn 14.000 con heo của 1.462 hộ chăn nuôi tại 262 thôn của 81 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh phải tiêu hủy. Còn với gia cầm, chỉ trong 2 năm 2012 và 2014, thời điểm dịch cúm H5N1 trên đàn gà, vịt ở vào cao điểm, hàng trăm nghìn con gia cầm đã phải tiêu hủy, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cũng như tác động không nhỏ đến xã hội.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Khánh Hòa, trong các đợt dịch heo tai xanh từ năm 2007 đến 2012, dịch thường xảy ra sau tháng 8 hàng năm và tái phát ở các ổ dịch cũ. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu trên đàn heo nuôi của các hộ có quy mô nhỏ lẻ, thường là các hộ có nuôi heo nái tự cung ứng con giống để nuôi thịt và đa số sử dụng nguồn thức ăn tận dụng. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên mức đầu tư kỹ thuật không cao, con giống, nguồn thức ăn không đảm bảo, ý thức người chăn nuôi còn hạn chế, không đồng đều, việc tiêm phòng các bệnh ít được quan tâm. Đặc biệt, có hơn 95% hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ không tiêm vắc xin phòng bệnh heo tai xanh. Với chăn nuôi gia cầm, các chủng vi rút độc lực cao, đặc biệt là dịch cúm H5N1 chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, từ đó mới bùng phát thành dịch.
Hỗ trợ tiêm phòng chăn nuôi quy mô nhỏ
Theo kế hoạch phòng, chống dịch cúm thể độc lực cao ở gia cầm và dịch heo tai xanh hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, các hộ nuôi heo có quy mô tổng đàn dưới 50 con và các hộ chăn nuôi gia cầm quy mô dưới 500 con được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin phòng ngừa đối với các loại dịch bệnh này.
Ông N.V.T (xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, trước đây, ông chỉ nuôi khoảng 40 con heo thịt. Hàng năm, gia đình ông được các thú y viên đến tiêm phòng miễn phí vắc xin phòng bệnh heo tai xanh. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 92 con heo, không còn được Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng nữa mà phải tự bỏ tiền. “Nhiều năm qua, Nhà nước đều có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, chính sách tiêm phòng cho đàn heo lại dường như đang đi ngược lại chủ trương đó, chỉ hỗ trợ cho những người nuôi nhỏ lẻ, còn quy mô 50 con trở lên lại không được hưởng”, ông T. thắc mắc.
Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, việc tiêm phòng cho đàn heo và đàn gia cầm quy mô hộ nông dân, nhỏ lẻ là một biện pháp đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh, trong đó có nội dung tiêm phòng cho các xã có nguy cơ cao vào tháng 8 hàng năm. Đây là một biện pháp chính góp phần không xuất hiện dịch trong các năm qua. Tương tự với gia cầm, từ năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm thể độc lực cao giai đoạn 2015 - 2018. Kế hoạch này xác định các khu vực nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Các vùng nguy cơ thấp, ngoại trừ các xã giáp ranh với vùng nguy cơ cao, tuy không bắt buộc nhưng khuyến khích các hộ chăn nuôi tự trả kinh phí tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình. Đối với vùng nguy cơ cao, 100% gia cầm phải được tiêm phòng các chủng vi rút độc lực cao như: H5N1, H5N6, H7N9… Trong đó, các hộ có quy mô chăn nuôi gia cầm từ 500 con trở xuống nằm trong vùng nguy cơ cao được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tiêm phòng, bao gồm chi phí vắc xin và chi phí 2 đợt tiêm mỗi năm. Mục tiêu của kế hoạch này là từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng, tạo nền tảng để chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm chủng độc lực cao tại Khánh Hòa từ sau năm 2018.
Trong thực tế, dịch bệnh thường chủ yếu khởi phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từ đó bùng phát thành dịch. Ngoài ra, hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc quy mô trên 100 con, gia cầm trên 1.000 con đều hết sức coi trọng việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm của mình, vì người nuôi đã đầu tư vào chuồng trại, giống, thức ăn với số vốn lớn. Khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại là rất lớn, nên hầu hết các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều đã quan tâm đầu tư tiêm phòng gần như tất cả các loại vắc xin phòng bệnh cần thiết cho vật nuôi. Còn với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, vốn ít, sự quan tâm về tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi cũng ít hơn. Thực tế, có không ít hộ chưa quan tâm đến việc tiêm phòng. Khi xảy ra dịch bệnh, công tác khống chế, xử lý ở các hộ chăn nuôi tập trung dễ dàng hơn so với xảy ra ở hàng chục hộ nuôi ở một khu vực, địa bàn rộng lớn.
Hiện nay, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn đã được Nhà nước tạo điều kiện thông qua Đề án chuyển đổi ngành chăn nuôi Khánh Hòa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đề án này, Nhà nước khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung bằng các hình thức hỗ trợ như: miễn tiền thuê đất; khuyến khích đầu tư tích tụ đất để hình thành các khu tập trung; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp… Ngoài ra, còn một số chính sách hỗ trợ liên quan đến vốn, đất đai, con giống, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm…
H.Đ