3 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm trước. Giá trị nhập khẩu tuy có giảm nhưng vẫn được coi là tín hiệu tốt.
3 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm trước. Giá trị nhập khẩu tuy có giảm nhưng vẫn được coi là tín hiệu tốt.
Xuất khẩu tăng trưởng cao
Ông Bùi Huy Hiệu - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang cho biết, 3 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của công ty rất khả quan với mức tăng trưởng đạt 150% so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường lớn và khó tính như: Hàn Quốc, Mỹ, Ba Lan, Nga, Trung Quốc… đều được công ty giữ vững. Bên cạnh đầu tư vào chất lượng sản phẩm, công ty còn chú trọng sử dụng nguồn nhân lực là lao động ở các nước sở tại nên mạng lưới phân phối được mở rộng hơn trước rất nhiều.
Quý I, xuất khẩu cà phê tăng 96,3% so với cùng kỳ năm ngoái |
Được biết, cà phê là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong những tháng đầu năm 2017. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, quý I, trên địa bàn tỉnh đã có 80 DN tham gia xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được 313,7 triệu USD, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm trước. Sở Công Thương cũng cho biết, các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: cà phê 52,5 triệu USD, tăng 96,3%; hải sản 83,2 triệu USD, tăng 6,1%; dệt may 20,1 triệu USD, tăng 12,2%; xuất 4 chiếc tàu biển đạt 127,2 triệu USD, tăng 5,1%...
Ông Đặng Xuân Toàn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) cho rằng, con số tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu quý I khá tốt, trong đó đáng ghi nhận là các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: hải sản, dệt may, tàu biển… Hải sản là mặt hàng xuất khẩu bền vững và đem lại giá trị cao cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn không đáng ngại, bởi mùa xuất khẩu cao điểm của mặt hàng này thường vào quý III. Năm nay, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho hoạt động xuất khẩu là 1,32 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Theo kế hoạch, xuất khẩu tàu biển giảm 4 chiếc so với năm trước nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc thực hiện chỉ tiêu này. Tuy nhiên, sự khôi phục và tăng trưởng khá tốt của các ngành hàng: cà phê, dệt may, hải sản… trong những tháng đầu năm sẽ là bước khởi đầu tích cực để hoàn thành chỉ tiêu giao.
Nhập khẩu giảm
Trong khi giá trị nhập khẩu chung của cả nước 3 tháng đầu năm tăng cao (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2016) thì nhập khẩu của Khánh Hòa lại giảm 6,3% (ước được hơn 135,6 triệu USD). Các mặt hàng giảm mạnh nhất là máy móc, thiết bị giảm 38,5%; nguyên phụ liệu phục vụ dệt may giảm 1,2%; hóa chất giảm 27,2%; thuốc tân dược và nguyên liệu sản xuất tân dược giảm 18,6%; thức ăn nuôi tôm giảm 71,5%... Mặt hàng chiếm tỷ trọng chủ yếu và có xu hướng tăng trong cơ cấu hàng nhập khẩu vẫn là thủy sản (quý I nhập gần 44,1 triệu USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, nhóm mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng có mức nhập khẩu tăng gấp 5 lần; sắt thép và kim loại tăng 27,5%; nguyên liệu sản xuất thuốc lá tăng 9,2%...
Theo đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế, kiềm chế nhập siêu là tốt nhưng giá trị nhập khẩu giảm mạnh cũng đáng lo ngại bởi chủ yếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, gia công xuất khẩu đều nhập từ nước ngoài. Vì vậy, khi giảm nhập khẩu cũng đồng nghĩa với DN thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, qua rà soát, nắm thông tin từ thực tế sản xuất cho thấy, xuất khẩu của tỉnh trong quý I giảm chủ yếu về máy móc, thiết bị phục vụ việc đóng tàu (kế hoạch xuất khẩu tàu trong năm nay giảm); các nguyên liệu phục vụ ngành dệt may, thuốc lá đã được nhập từ quý IV năm trước… Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực sản xuất như: tân dược, thức ăn nuôi tôm... các DN ngày càng có xu hướng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Do đó, việc giảm giá trị nhập khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm vẫn được coi là tín hiệu tốt.
MAI HOÀNG