10:04, 23/04/2017

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống

Hiện nay, chất lượng tôm giống tại nhiều trại sản xuất, ương tôm giống vẫn chưa cao. Vậy, phải làm gì để nâng cao chất lượng tôm giống? Câu hỏi này đã được nhiều chuyên gia thảo luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP. Nha Trang.

Hiện nay, chất lượng tôm giống tại nhiều trại sản xuất, ương tôm giống vẫn chưa cao. Vậy, phải làm gì để nâng cao chất lượng tôm giống? Câu hỏi này đã được nhiều chuyên gia thảo luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP. Nha Trang.


Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.800 - 3.000ha ao đìa nuôi tôm, trong đó có khoảng 500ha nuôi tôm sú, còn lại là nuôi tôm chân trắng. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm thương phẩm gặp không ít khó khăn, người dân luôn phải đối diện với diễn biến thất thường của thời tiết, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tôm chậm lớn… Những vấn đề này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của nghề nuôi tôm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng tôm giống không đảm bảo. Đây không chỉ là vấn đề nan giải đối với người nuôi, nhà khoa học, mà còn là trăn trở chung của ngành Nông nghiệp tỉnh.

 

Chất lượng tôm giống quyết định rất lớn đến vụ nuôi tôm của nông dân
Chất lượng tôm giống quyết định rất lớn đến vụ nuôi tôm của nông dân


Ông Phạm Duy Trường - Phó Giám giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng: “Chất lượng con tôm giống là khâu trọng yếu ban đầu trong quá trình nuôi, quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi. Vì vậy, khi lựa chọn tôm giống để thả nuôi, người nuôi cần truy xuất nguồn gốc để biết rõ nguồn gốc con tôm, ăn thức ăn gì, quy trình nuôi ra sao. Nông dân cần lưu ý chọn tôm giống phù hợp với loại hình nuôi. Một vấn đề quan trọng nữa là phải kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống bằng cảm quan, thông qua kính hiển vi hay bằng các kỹ thuật hiện đại khác… Có như thế, nông dân mới có được đàn giống đảm bảo chất lượng để thả nuôi”.


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Khánh Hòa là trung tâm giống thủy sản của cả khu vực miền Trung. Nguồn giống từ các cơ sở sản xuất, ương giống trên địa bàn tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi trên địa bàn tỉnh, mà còn cung ứng cho nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động sản xuất giống, ương giống, nhất là các cơ sở sản xuất giống tôm của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là cao điểm toàn tỉnh có 1.200 trại sản xuất tôm giống nhưng hiện nay chỉ còn 395 trại, trong đó có 62 trại sản xuất tôm sú và 112 trại sản xuất, ương tôm chân trắng. Các cơ sở sản xuất giống hiện nay chủ yếu tập trung tại: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh.


Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để quản lý, nâng cao chất lượng tôm giống, hiện nay, Khánh Hòa đang xây dựng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa). Dự án triển khai trên tổng diện tích 60ha, khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất và cung ứng hơn 6 tỷ con giống mỗi năm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại các trại sản xuất giống trên địa bàn tỉnh để có thể chủ động trong việc cung cấp con giống chất lượng tốt đến người nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống, nhất là việc kiểm tra chất lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu vào tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người sản xuất giống thủy sản…

 

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Cần thông tin kịp thời cho người nuôi biết những cơ sở sản xuất tôm giống có chất lượng bảo đảm để liên hệ mua giống. Người nuôi khi phát hiện những cơ sở không đảm bảo chất lượng cần phản ánh kịp thời cho cơ quan chức năng, báo chí. Quá trình nuôi phải liên kết sản xuất, tăng cường học hỏi, tham quan để tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kiểm soát chất lượng con giống, tiếp tục nghiên cứu những giống tôm chất lượng cao để đưa đến tận tay nông dân.

Để đảm bảo chất lượng tôm giống, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, ương tôm giống; thực hiện công tác kiểm dịch tôm giống xuất ra khỏi địa bàn tỉnh theo quy định. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để chuẩn bị cho vụ sản xuất giống tôm chân trắng năm 2017, chi cục đã có phương án giám sát dịch bệnh cho giống thủy sản nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, tác nhân gây bệnh để áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe đàn tôm giống, tránh rủi ro cho người nuôi. 3 tháng đầu năm, chi cục đã tiến hành kiểm dịch 220 triệu con tôm sú giống và 130 triệu con tôm chân trắng giống xuất tỉnh; bên cạnh đó, 2.605 con tôm chân trắng bố mẹ được 6 cơ sở nhập về từ: Hawaii, Thái Lan, Mexico, Singapore đã được kiểm dịch chặt chẽ. Để nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh, chi cục kiến nghị: Tổng cục Thủy sản cần xây dựng tiêu chí trại sản xuất giống an toàn sinh học, có lộ trình thực hiện để quản lý các trại giống tốt hơn; UBND cấp huyện cần xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất giống theo quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh; vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung tại xã Ninh Vân cần sớm được đầu tư…


Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ - Viện Nuôi trồng Thủy sản Trường Đại học Nha Trang, chất lượng tôm giống của Việt Nam hiện nay rất thấp. Để nâng cao chất lượng tôm giống, cần chú trọng nghiên cứu các lĩnh vực như: gia hóa (thuần hóa, làm thay đổi mức độ di truyền tính trạng vật nuôi, tạo ra những tính trạng tốt nhất) tôm sú và tôm chân trắng; nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ; nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn cho tôm giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng; nghiên cứu quản lý chất lượng nước, phòng trị bệnh cho tôm giống…


HẢI LĂNG