05:04, 10/04/2017

Quản lý hoạt động doanh nghiệp: Còn nhiều lúng túng

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang lúng túng trong công tác phối hợp quản lý hoạt động doanh nghiệp. Bằng chứng là khi sự việc xảy ra vẫn còn tình trạng khó xử lý dứt điểm các sai phạm của doanh nghiệp, hoặc không tìm ra cơ quan nào làm đầu mối xử lý.

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang lúng túng trong công tác phối hợp quản lý hoạt động doanh nghiệp (DN). Bằng chứng là khi sự việc xảy ra vẫn còn tình trạng khó xử lý dứt điểm các sai phạm của DN, hoặc không tìm ra cơ quan nào làm đầu mối xử lý.


Bất cập trong phối hợp


Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), năm 2015, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có Quyết định 23 về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với DN. Quy chế quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin DN; thanh tra, kiểm tra DN; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; xử lý DN có hành vi vi phạm quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; báo cáo tình hình thực hiện quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập.

 

Một góc TP. Nha Trang
Một góc TP. Nha Trang


Tuy nhiên, thời gian qua, việc phối hợp theo quy chế này chưa được các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện thường xuyên. Do đó, việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin DN còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho rằng, hiện nay, quản lý nhà nước đối với DN chủ yếu thu thuế là chính. Về phía địa phương, phối hợp quản lý cơ bản là để nắm rõ đối tượng quản lý, nội dung thông tin quản lý. Vì vậy, đề nghị Sở KH-ĐT mỗi tháng một lần thông báo cho địa phương có bao nhiêu DN mới cấp phép, bao nhiêu DN đã xin phá sản, địa chỉ, thông tin cụ thể của từng DN. Sở KH-ĐT cũng nên có một phần mềm khoa học để quản lý DN một cách bài bản, rõ ràng.


Trong khi đó, bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, trong Khoản 4 Điều 16 của Quyết định 23 quy định về việc xử lý DN vi phạm: “UBND cấp huyện thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền cưỡng chế vi phạm” còn chung chung, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Cơ quan chức năng có thẩm quyền là cơ quan nào? Tại sao không giao luôn cho UBND cấp huyện ra quyết định cưỡng chế? Ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính lấy ví dụ, qua đợt kiểm tra về giá cuối năm 2016, thanh tra sở mới biết có một khách sạn tại Nha Trang đã bán một nửa diện tích nhưng trên giấy tờ không thể hiện điều đó. “Đáng lẽ vấn đề này Sở KH-ĐT phải thông báo cho chúng tôi biết để phối hợp quản lý”, ông Bé nói.


Không thể chỉ thanh tra 1 lần/năm


Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, Thanh tra tỉnh là đầu mối xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN, tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện và tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra DN để báo cáo UBND tỉnh. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN hàng năm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, mỗi DN chỉ bị thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm. Lãnh đạo các cơ quan chức năng cho rằng rất khó để thực hiện việc này.


Lãnh đạo Thanh tra tỉnh cho rằng, một DN hoạt động liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: du lịch, giá, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy… Khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra không thể yêu cầu tất cả các cơ quan này thu xếp thời gian để cùng đi vào một buổi. Trong khi đó, đại diện Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh cho biết, theo quy định, một DN kinh doanh có liên quan đến cháy nổ thì phải kiểm tra 4 lần/năm. Sau khi Nghị quyết 35 ra đời, lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có ý kiến rút số lần thanh tra, kiểm tra các DN này còn 2 lần/năm, nhưng vẫn còn trong quá trình nghiên cứu để điều chỉnh.


“Theo quy định, thời điểm giáp Tết, Sở Tài chính phải đi thanh tra, kiểm tra giá ở các cơ sở lưu trú. Ví dụ, một khách sạn trong năm đã bị thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, về phòng cháy chữa cháy nhưng cuối năm vẫn phải thanh tra về giá. Nếu không thanh tra thì sở lại vi phạm quy định về quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Bé phân tích.


Mới đây, trong cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT rà soát lại các căn cứ pháp lý để điều chỉnh Quyết định 23; trong đó, lưu ý một số nội dung quy chế phối hợp làm chưa tốt, cần chấn chỉnh như: cung cấp thông tin DN, tình trạng hoạt động của DN… Đối với Nghị quyết 35 của Chính phủ, giao Thanh tra tỉnh lên kế hoạch, thực hiện các thủ tục để giảm thiểu tối đa số lần thanh tra, kiểm tra trong năm đối với DN, tránh chồng chéo, gây bức xúc. “Các sở, ngành chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý DN nếu thấy có quy định nào bất cập, không phù hợp cũng phải kiến nghị, đề xuất bổ sung, điều chỉnh chứ không phải chỉ răm rắp thực hiện theo quy định”, đồng chí Trần Sơn Hải nhấn mạnh.


NHẬT THANH



 




Đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: UBND tỉnh cần các sở, ngành tham mưu để làm sao xử lý được trường hợp DN vi phạm, trong thời gian yêu cầu tạm ngừng hoạt động mà vẫn kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

 

_________________________________________



Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT: Trường hợp phát hiện DN có hành vi vi phạm quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan chức năng xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt, đồng thời gửi thông báo về Sở KH-ĐT. Phòng Đăng ký kinh doanh của sở ra thông báo yêu cầu DN đó tạm ngừng kinh doanh. Nếu DN đó không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động ngành nghề đã bị yêu cầu tạm ngưng thì cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền yêu cầu DN báo cáo. Nếu trong thời gian 6 tháng mà DN không báo cáo thì thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là trong thời gian 6 tháng đó DN vẫn hoạt động ngành nghề đã bị yêu cầu tạm ngưng, nhưng cơ quan chức năng không có quyền xử lý.