10:04, 09/04/2017

Phát triển tàu cá vỏ composite

Tại Hội nghị chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào khai thác thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại TP. Nha Trang, nhiều chuyên gia cho rằng, tàu vỏ composite hiện đại sẽ là lựa chọn để khai thác xa bờ trong thời gian tới.

Tại Hội nghị chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào khai thác thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức mới đây tại TP. Nha Trang, nhiều chuyên gia cho rằng, tàu vỏ composite hiện đại sẽ là lựa chọn để khai thác xa bờ trong thời gian tới.


Tàu vỏ gỗ nhiều hạn chế


Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), không riêng gì Khánh Hòa mà tàu cá của cả nước chủ yếu là tàu vỏ gỗ (trong số 31.000 tàu thuyền khai thác xa bờ chỉ có 332 tàu vỏ thép, 115 tàu đóng bằng vật liệu composite, còn lại là vỏ gỗ) nên tuổi thọ và độ an toàn tàu thấp, khả năng cơ giới hóa các khâu sản xuất trên tàu bị hạn chế.

 

Hạn chế lớn nhất của đội tàu vỏ gỗ là khó ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại
Hạn chế lớn nhất của đội tàu vỏ gỗ là khó ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại

 


Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh hiện nay có 1.236 tàu thuyền công suất lớn, trong đó có 483 tàu khai thác cá ngừ, chiếm 40% tàu thuyền khai thác xa bờ. Hầu hết các tàu đều vỏ gỗ, được trang bị các máy móc và thiết bị tối thiểu như: tời, cẩu, la bàn, máy định vị, máy thông tin liên lạc…; các thiết bị, ngư cụ hiện đại như: máy thông tin tầm xa, hệ thống bảo quản sản phẩm hiện đại… chưa được ứng dụng nhiều. Chỉ các tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ mới được trang bị đầy đủ trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại.


Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, tàu cá của Khánh Hòa hiện nay chủ yếu vẫn là tàu vỏ gỗ, đội tàu vỏ thép, vỏ composite vẫn còn rất ít. Trang thiết bị trên tàu cá chưa đầy đủ nên hạn chế trong hiệu quả khai thác và an toàn sản xuất. Các tàu cá vỏ gỗ chỉ có hầm chứa nước đá, muối và thường chưa đạt tiêu chuẩn cách nhiệt, chưa có hệ thống bảo quản lạnh hiện đại nên tỷ lệ hao hụt sau khai thác sản phẩm cao, lên đến 20 - 30%. Bên cạnh đó, các tàu vỏ gỗ có két chứa dầu, nước ngọt quá nhỏ, không đủ cung cấp cho tàu hoạt động dài ngày trên biển. Trong đó, vấn đề thiếu hệ thống bảo quản đạt tiêu chuẩn là hạn chế lớn nhất trên các tàu cá của tỉnh.


Ông Nguyễn Quang Vĩnh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, thẩm định các mẫu tàu cá xa bờ Bộ NN-PTNT phân tích: Sở dĩ tàu vỏ gỗ áp đảo, chiếm đến 99% tàu cá lớn nhỏ trong cả nước là do trước đây tài nguyên rừng còn giàu nên vật liệu này có giá rẻ; mạng lưới đóng tàu vỏ gỗ có khắp các địa phương và thói quen sử dụng tàu vỏ gỗ của ngư dân. Tuy nhiên, tàu vỏ gỗ cho thấy nhiều bất cập, không chỉ gặp khó khăn trong việc ứng dụng các công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm mà còn tiêu hao công suất lớn, tuổi thọ lại thấp (10 - 15 năm); sử dụng tàu vỏ gỗ sẽ góp phần làm cạn kiệt tài nguyên rừng…


Đâu là lựa chọn?


Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sở dĩ việc ứng dụng các trang thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm… trên tàu cá thời gian qua còn hạn chế chủ yếu là do đội tàu cá vỏ gỗ, nhỏ. Muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào khai thác thủy sản, vấn đề đầu tiên là phải chuyển từ tàu vỏ gỗ sang đội tàu vỏ thép, vỏ composite, trong đó tàu vỏ composite được nhiều người đánh giá cao hơn. Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, thời gian qua, ngành đóng tàu đã có những giải pháp đột phá về mặt kỹ thuật và công nghệ; gần đây nhất, giải pháp công nghệ hữu hiệu được ngành đóng tàu quan tâm chính là ứng dụng vật liệu composite và thép để thay thế tàu cá vỏ gỗ. Trong đó, composite là vật liệu mới, rất có triển vọng với ngành đóng tàu cá. Trong tương lai, composite sẽ là vật liệu chính thay thế vật liệu gỗ để duy trì đội tàu cá hàng trăm nghìn chiếc hoạt động trong các vùng biển Việt Nam.

 

Tàu vỏ composite đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều ngư dân
Tàu vỏ composite đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều ngư dân


Còn theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, phát triển tàu đánh cá vỏ composite là quy luật phát triển vật liệu đóng tàu cá của thế giới. Trong khi đó, Khánh Hòa là trung tâm sử dụng tàu đánh cá vỏ composite của Việt Nam; giai đoạn 1990 - 2016, đội tàu composite của tỉnh đã có 50 chiếc, trong đó có 37 chiếc đóng mới, 13 chiếc nhập khẩu. Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản là cú hích cho sự phát triển tàu cá vỏ composite ở Việt Nam. Hiện nay, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) có thể thiết kế và chế tạo những tàu cá lớn có khả năng khai thác viễn dương, trang bị phương tiện, ngư cụ, nhất là hệ thống bảo quản hiện đại sẽ giúp ngư dân bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả chuyến biển. Tới đây, Tổng cục Thủy sản cần có quy hoạch cơ sở đóng tàu vỏ composite ở một số địa phương và nên giao cho Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) chuyển giao công nghệ cho các cơ sở này.

 

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản: Trong tương lai sẽ thay đổi công nghệ khai thác, công nghệ dự báo, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu đánh bắt xa bờ. Để làm được điều này, Tổng cục Thủy sản sẽ đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp đồng bộ về quy hoạch, cơ chế chính sách, chuyển giao ứng dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu cá, tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân về hiện đại hóa tàu cá.
 

Ông Nguyễn Văn Đạt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) cho hay: “Triển khai thực hiện Nghị định 67, đến cuối tháng 2-2016, viện đã đóng, hạ thủy 18 tàu cá vỏ composite cho ngư dân các tỉnh, trong đó có 7 chiếc của ngư dân Khánh Hòa. Về năng lực, mỗi năm, viện có thể đóng mới 12 - 15 chiếc và đang tiếp tục cải tiến về thiết kế, công nghệ để có thể đóng được những con tàu cho ngư dân vươn khơi an toàn, khai thác hiệu quả nhất”.


Thực tế sử dụng tàu vỏ composite của nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, tàu lướt sóng êm, có thể hoạt động bình thường trong điều kiện sóng gió cấp 6 - 7, công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại, sức chứa cao hơn; điều kiện ăn ở, sinh hoạt của ngư dân được đảm bảo; hiệu quả chuyến biển cũng cao hơn. Ông Trần Văn Đạt - chủ tàu cá vỏ composite số hiệu KH92179TS hành nghề lưới vây, câu cá ngừ đại dương ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết: “Từ ngày chuyển từ tàu gỗ sang sử dụng tàu mới vỏ composite, điều khiến tôi tâm đắc nhất là suốt cả chuyến đi chúng tôi không phải bơm dầu, bơm nước lắt nhắt như tàu vỏ gỗ. Trong khi đó, 10 hầm bảo quản trên tàu cách nhiệt rất tốt, có khi đi cả chuyến biển hơn 25 ngày mà đá vẫn còn gần như y nguyên nên chất lượng sản phẩm sau khai thác tăng lên, đồng nghĩa với giá bán cao hơn. Không chỉ vậy, điều kiện sinh hoạt của thuyền viên cũng thuận lợi hơn nên có thể tái tạo được sức lao động sau mỗi đêm lao động mệt nhọc”.


HẢI LĂNG