Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mới đây, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, hướng đi mà nông nghiệp Khánh Hòa đang hướng tới là một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mới đây, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, hướng đi mà nông nghiệp Khánh Hòa đang hướng tới là một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao.
Chú trọng nông sản sạch
Theo ông Lê Thanh Quang, những năm gần đây, các sản phẩm nông sản theo xu hướng an toàn, chất lượng cao đang được Khánh Hòa đặc biệt chú trọng, khuyến khích phát triển. Hiện nay, các loại rau, củ, quả sạch đã vào đến trường học, khách sạn, siêu thị… Trong đó, Khánh Hòa đang tập trung trồng các loại rau trên cơ sở cân đối với các tỉnh lân cận, nhất là các loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết cận nhiệt đới, các loại rau thế mạnh nhằm ổn định thị trường.
Ông Lê Thanh Quang làm việc với đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam |
Trên thực tế, những năm gần đây, trồng rau theo hướng an toàn, đạt chuẩn VietGAP đã manh nha phát triển và dần trở thành hướng chủ lực. Vùng rau sạch đầu tiên của tỉnh có thể kể đến mảnh đất Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa. Xã Ninh Đông có khoảng 70ha đất với khoảng 200 hộ chuyên trồng rau. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, vấn đề rau an toàn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, tháng 9-2014, Tổ liên kết trồng rau VietGAP Ninh Đông đã được hình thành, với diện tích trồng rau được chứng nhận gần 3ha. Rau sạch Ninh Đông đã vào được các siêu thị, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân. Trên cơ sở thành công của vùng rau này, ở thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang cũng hình thành một tổ hợp tác chuyên trồng rau an toàn với diện tích gần 2ha. Tiếp đó, những doanh nghiệp có vốn lớn, đầu tư bài bản cũng dần xuất hiện, như vựa rau của Công ty TNHH Hiệp Nông Phát ở xã Ninh Thân, Ninh Hòa, mỗi ngày cung ứng hàng tấn rau cho các trường học, bệnh viện trên địa bàn.
Hoạt động trồng trọt theo hướng an toàn cũng phát triển. Trang trại trái cây sạch Kim Kim Hoa ở thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh cho mọi người cái nhìn khác về cách làm nông nghiệp theo mô hình doanh nghiệp. Với nguồn vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào vườn trái cây rộng khoảng 25ha, những trái bưởi, xoài, cam… từ trang trại này không chỉ đạt chuẩn VietGAP mà còn đáp ứng được cả chuẩn GlobalGAP. Trái cây của Kim Kim Hoa tạo chỗ đứng của mình bằng cách cung ứng sản phẩm cho các resort, khách sạn 4 sao trở lên, hoặc các khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Rồi Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Vĩnh cũng ra đời. Sản phẩm của hợp tác xã này gồm: bưởi, xoài, sầu riêng cũng được chứng nhận VietGAP và ngay lập tức có mặt trên kệ hàng của các siêu thị.
Hoạt động chăn nuôi từ lâu cũng đã theo mô hình doanh nghiệp, có sự thay đổi về quy mô, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, trên 80% hoạt động chăn nuôi heo ở Khánh Hòa thực hiện theo hình thức nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có hơn 250 trại heo thịt, quy mô hàng trăm con, mỗi trại nuôi theo hình thức CP với quy trình hết sức nghiêm ngặt theo hướng chăn nuôi sạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nuôi heo quy mô lớn như Công ty Cổ phần Khánh Tân (Tổng Công ty Khánh Việt) với quy mô hàng nghìn con heo nái, mỗi năm cho ra thị trường hàng chục nghìn heo con để nuôi thương phẩm và xuất chuồng hàng chục nghìn con heo thịt. Hay như 2 trang trại nuôi heo của bà Huỳnh Thị Chín ở huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh có quy mô hơn 2.000 con heo nái, hơn 10.000 con heo thịt. Về nuôi gà, hiện nay, giống gà Phùng Dầu Sơn (huyện Cam Lâm) nổi tiếng của Khánh Hòa cũng đã vươn đến hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, trở thành vật nuôi sinh kế của hàng nghìn hộ gia đình. Mỗi năm, trang trại Phùng Dầu Sơn cho ra thị trường hàng trăm nghìn con gà giống. Với gà thịt, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 13 trang trại nuôi gà thịt công nghiệp có quy mô từ 13.000 đến 15.000 con mỗi trại; 16 trại gà thịt Tam Hoàng, mỗi trại có từ 5.000 đến 8.000 con. Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cũng đặt tại Khánh Hòa khoảng 30 trang trại gà thịt công nghiệp quy mô từ 2.000 đến 15.000 con mỗi trại. Chưa kể nhiều gia trại nuôi gà ta và gà công nghiệp lên đến hàng nghìn con mỗi trại.
Trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, nhìn nhận về nông nghiệp Khánh Hòa, bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: “Những năm qua, Khánh Hòa là một trong các tỉnh có phong trào nông dân phát triển mạnh. Đặc biệt, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đánh giá rất cao. Từ phong trào này, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được xác định, phát triển ngày một cao hơn về chất lượng, đáp ứng được các điều kiện về nông sản an toàn. Sau mỗi thành công, các mô hình, xu hướng đó đều được triển khai, nhân rộng và tạo nên xu thế mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, mang lại đời sống đầy đủ hơn cho nông dân”.
Bà Nguyễn Hồng Lý đến thăm một mô hình sản xuất của nông dân TP. Nha Trang |
Nâng chất quy mô
Theo ông Lê Thanh Quang, Khánh Hòa đang tập trung hình thành những cánh đồng sản xuất có quy mô hàng chục héc-ta trở lên. Có như vậy mới có thể đáp ứng được đòi hỏi sản xuất theo hướng hàng hóa. “Tin tưởng rằng, khi có sự nâng chất về quy mô, sản xuất theo hướng hàng hóa, tôn trọng tính bền vững…, hoạt động nông nghiệp sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân”, ông Lê Thanh Quang nhấn mạnh.
Khi tìm hiểu diện tích trồng rau sạch của Công ty TNHH Hiệp Nông Phát ở xã Ninh Thân, chúng tôi được biết, để có thể phát triển khoảng 2ha rau sạch, chủ doanh nghiệp đã phải canh tác trên 5 mảnh đất khác nhau. Mong muốn được sản xuất trên cùng một địa điểm là điều mà chủ doanh nghiệp này đề đạt. Hay chủ trang trại trái cây sạch Kim Kim Hoa ở Vạn Ninh, ban đầu có nhu cầu đầu tư trên diện tích từ 50 đến 70ha, nhưng “tìm đỏ mắt” cũng chỉ được mảnh đất rộng 25ha.
Một góc trang trại Kim Kim Hoa ở huyện Vạn Ninh |
Thực trạng này đã được nhìn nhận từ cách đây khá lâu, khi hoạt động dồn điền đổi thửa được đẩy mạnh, sau đó là xây dựng cánh đồng lớn. Và khi đã có các diện tích đủ lớn, hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp với quy mô đủ lớn đã được xây dựng. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, cũng như ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh cũng có những quyết sách dựa trên các chủ trương này. Mới đây nhất chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn bao quát gần như toàn bộ các lĩnh vực nông nghiệp. Ở đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào nông nghiệp đều nhận được sự trợ lực không nhỏ từ Nhà nước, cả về cơ sở hạ tầng, cây con giống cho đến đầu ra sản phẩm. Tất nhiên là dự án, mô hình đó phải triển khai trên một diện tích đủ lớn.
Có thể thấy, không chỉ phát triển theo hướng an toàn, quy mô sản xuất nông nghiệp ở Khánh Hòa cũng đang dần được định hình theo hướng mở rộng, phát triển. Đó là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, hướng đi bắt buộc nhằm nâng tầm hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, mà đích đến cuối cùng là mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Công Định