09:04, 27/04/2017

Nghiên cứu phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam

Trong quá trình phát triển, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến sào Khánh Hòa) luôn coi việc nghiên cứu khoa học làm tiền đề để phát triển doanh nghiệp bền vững. 

Trong quá trình phát triển, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến sào Khánh Hòa) luôn coi việc nghiên cứu khoa học làm tiền đề để phát triển doanh nghiệp bền vững. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm đã mở ra cơ hội để nghề nuôi chim yến tại Việt Nam phát triển bền vững.
 
Số lượng nhà yến tăng nhanh
 
Theo số liệu điều tra của đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, tính đến tháng 6-2014, cả nước có 30 tỉnh, thành nuôi chim yến với tổng số lượng 2.614 nhà yến, chủ yếu tập trung ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Sản lượng thu hoạch nhà yến tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm. Năm 2016, một số nhà yến có sản lượng khá như: nhà yến tại Trảng Bom (Đồng Nai) thu hoạch trên 19.323 tổ/năm, Rạch Giá (Kiên Giang) thu hoạch 9.365 tổ/năm, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thu hoạch 16.117 tổ/năm, Phú Riềng (Bình Phước) thu hoạch 15.759 tổ/năm, nhà yến tại Khánh Hòa thu hoạch 17.947 tổ/năm.
 

 

Hội thảo khoa học phát triển quần thể chim yến đảo tại các tỉnh duyên hải trên toàn quốc

Hội thảo khoa học phát triển quần thể chim yến đảo tại các tỉnh duyên hải trên toàn quốc

 
 
Tháng 3-2017, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát cập nhật số lượng nhà yến trên 36 tỉnh, thành và cho thấy đã có 5.069 nhà yến, tăng 2.455 nhà yến so với năm 2014. Trong đó, số lượng tại tỉnh Tiền Giang nhiều nhất với 697 nhà yến, TP. Hồ Chí Minh 612 nhà và Kiên Giang 548 nhà. Đặc biệt, có thêm 5 tỉnh miền bắc và Tây Nguyên phát triển nghề nuôi chim yến là: Hải Phòng (27 nhà), Quảng Ninh (2 nhà), Ninh Bình (1 nhà), Gia Lai (22 nhà), Kon Tum (12 nhà). Các tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận đều phát triển trên 200 nhà yến. 
 

 

Ban lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa đón nhận bằng công nhận Kỷ lục châu Á

Ban lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa đón nhận bằng công nhận Kỷ lục châu Á

 
Đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” cho biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có 10.000 ngôi nhà yến. Đến năm 2030, sản lượng yến sào xuất khẩu đạt hơn 100 tấn thành phẩm; giá trị kim ngạch xuất khẩu yến sào đạt 200 triệu USD/năm. Đánh giá về đề tài này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học) cho rằng, đề tài nghiên cứu đã có nhiều thành công rất đáng khích lệ, giải quyết được nhiều vấn đề vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa khoa học cao. Mỗi kết quả nghiên cứu có thể coi là một tài liệu quý trong việc phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở Việt Nam.
 
Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến 
 
Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, các kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” là luận cứ khoa học quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng bền vững. Qua nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất 17 giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến. Trong đó, giải pháp định hướng quy hoạch phát triển nuôi chim yến tại các địa phương trong toàn quốc có điều kiện phát triển ngành nghề nuôi chim yến là giải pháp quan trọng và cấp bách thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên, phù hợp với quy luật phát triển ngành nghề. 
 

 

Đảo yến Hòn Mái

Đảo yến Hòn Mái

 
Những năm qua, các địa phương như: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang đã tiên phong thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành khác đến nay vẫn chưa thực hiện quy hoạch vùng nuôi. Vì vậy, công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương còn lại phải được khẩn trương tiến hành. Nhiệm vụ này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ vì lợi ích chung của địa phương, người nuôi chim yến và cộng đồng xã hội.
 
Ngoài việc quy hoạch nuôi chim yến tại các vùng, địa phương, các cấp cần có chính sách đồng bộ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng thành tựu công nghệ, xác định nguồn thức ăn, môi trường sinh thái và bảo vệ quần đàn chim yến. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động nhân dân, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị nhà yến tối ưu, liên kết phát triển và thành lập hiệp hội nuôi chim yến, đa dạng các sản phẩm chế biến từ yến sào, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Việc xây dựng thương hiệu yến sào phát triển bền vững, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, phối hợp quản lý nghề yến các địa phương… cũng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
 
 

 

Đảo yến Hòn Rơm

Đảo yến Hòn Rơm

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn (Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, tuy là đơn vị sản xuất, song đội ngũ các nhà khoa học của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả các nội dung của đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước. Các nội dung nghiên cứu khá rộng, bao trùm cả những nghiên cứu cơ bản đến quy trình kỹ thuật, quy hoạch, chính sách. Các kết quả nghiên cứu đạt được của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, sau khi nghiệm thu đề tài có thể áp dụng ngay vào thực tiễn phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở Việt Nam. 
 
Theo GS.TS Mai Đình Yên - Chủ tịch Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”, kết quả của đề tài đã góp phần bổ sung vào tài liệu khoa học chính thống để phát triển nghề nuôi chim yến. Đây cũng là nguồn tư liệu để các nhà quản lý, nhà khoa học tham khảo và các địa phương áp dụng; tạo tiền đề và điều kiện phát triển nghề nuôi chim yến nhiều tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình nuôi chim yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện thành công và kết quả nghiên cứu đề tài cấp nhà nước đã mở ra triển vọng phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt nam. 
 

 

1

Khai thác yến

 
Tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học
 
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng cho biết, trong những năm qua, công ty luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của công ty đã góp phần thiết thực phục vụ chiến lược phát triển của công ty và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nghề yến sào Việt Nam.
 
 
 
Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học về kỹ thuật xây dựng nhà yến để đạt chất lượng cao nhất, chi phí thấp nhất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng miền. Bên cạnh đó, công ty sẽ triển khai nghiên cứu về gen chim yến nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm của Việt Nam. Việc nhân đàn, di đàn sẽ tiếp tục được nghiên cứu ở mức cao hơn để tiếp tục phát triển hang yến mới.
 
VĂN KỲ