Trên những diện tích trồng mì kém hiệu quả, nông dân xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, trong đó phương pháp trồng chuối phủ bạt được áp dụng và đem lại thu nhập cao.
Trên những diện tích trồng mì kém hiệu quả, nông dân xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, trong đó phương pháp trồng chuối phủ bạt được áp dụng và đem lại thu nhập cao.
Ông Lê Văn Tin - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Gò Mè (xã Suối Tiên) cho biết, ông là người đầu tiên trong xã thực hiện trồng chuối phủ bạt vào năm 2016, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là một cách làm mới, chi phí mua bạt phủ nông nghiệp khá cao nên đầu tư tốn kém hơn cách trồng chuối thông thường. Ban đầu, trên 2.200m2, gia đình ông Tin trồng hơn 300 gốc chuối, tổng chi phí đầu tư hơn 15 triệu đồng. “Kỹ thuật trồng khá đơn giản: chọn cây con trên cây mẹ đã có buồng, khỏe mạnh để trồng; dùng đất chèn hai bên mép bạt, khoét bạt phủ tạo lỗ và trồng khoảng cách 2,8m x 2,8m. Với cách trồng phủ bạt, tôi ít tốn công chăm sóc, đồng thời tiết kiệm được phân bón, nước tưới”, ông Tin chia sẻ. Cuối năm 2016, sau khi bán xong vụ chuối Tết, gia đình ông thu gần 180 triệu đồng, do chuối phủ bạt trái trắng, to nên giá bán hơn 1,2 triệu đồng/buồng. Trong khi những năm trước ông trồng chuối rẫy, bán cao nhất cũng chỉ 500.000 - 600.000 đồng/buồng. Từ những lợi ích trên, năm nay, gia đình ông Tin đã nâng tổng diện tích trồng chuối phủ bạt lên gần 4.000m2.
Trồng chuối phủ bạt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Suối Tiên |
Ông Trần Văn Hiến cùng thôn cũng đang trồng chuối phủ bạt trên 1.000m2. Theo ông Hiến, chuối rẫy trồng sau 15 - 17 tháng mới cho thu hoạch, còn chuối trồng trên đất màu phủ bạt nông nghiệp chỉ 10 - 12 tháng. Không chỉ thời gian trồng ngắn, giá bán chuối phủ bạt còn cao hơn nhờ hình thức đẹp, chất lượng tốt hơn. Vì vậy, ông hy vọng đây sẽ là cây trồng đem lại thu nhập cao cho gia đình trong thời gian tới. Một số hộ nông dân khác cũng bắt đầu thử trồng chuối phủ bạt sau khi học tập cách làm của gia đình ông Tin, ông Hiến.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Suối Tiên, toàn xã có 250ha đất màu, chủ yếu trồng các loại cây như: mì, bắp, khổ qua, dưa leo, dưa hấu, ớt... Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân mạnh dạn đưa cây chuối vào trồng trên đất màu. Hiện nay, diện tích chuối trồng trên đất màu của xã hơn 50ha. Hội đã bước đầu nắm thông tin, kỹ thuật từ phương pháp trồng chuối phủ bạt nông nghiệp của các gia đình hội viên tiên phong như ông Lê Văn Tin. Cách trồng mới này hạn chế được sâu bệnh gây hại, tiết kiệm phân bón, nước tưới, công sức chăm sóc cây, chuối ít bị đổ ngã. Khi cây chuối chưa khép tán, người dân có thể trồng xen các loại rau màu như: ớt, cà, đậu... tăng thu nhập. Ông Đặng Ngọc Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Tiên nói: “Thời gian tới, hội sẽ tổ chức cho hội viên học tập kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, quy trình chăm sóc… của phương pháp trồng chuối phủ bạt, để nông dân có thêm lựa chọn trong sản xuất cây màu, tăng thu nhập”.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nông dân sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic) để trồng dưa, trồng ớt nhưng trong trồng chuối thì ở xã Suối Tiên là địa phương đầu tiên. Phương pháp sản xuất nông nghiệp phủ bạt tuy có chi phí cao hơn sản xuất thông thường, nhưng có nhiều lợi ích như: hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, ổn định nhiệt độ, độ ẩm cho đất, khi mưa tránh cho đất không bị xói mòn gây tổn thương bộ rễ, tiết kiệm phân bón vì không bị rửa trôi, giảm công chăm sóc… Ngoài ra, các cây trồng sử dụng màng phủ nông nghiệp cũng cho năng suất cao hơn. Ngành nông nghiệp luôn khuyến khích nông dân đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp là một minh chứng.
H.DUNG - H.QUỲNH