12:03, 28/03/2017

Vụ mì thất bát

Vụ thu hoạch mì đã diễn ra cả tháng nhưng đến thời điểm này, tại một số địa phương, mì vẫn phải "nằm rẫy" do nhiều nguyên nhân.

Vụ thu hoạch mì đã diễn ra cả tháng nhưng đến thời điểm này, tại một số địa phương, mì vẫn phải “nằm rẫy” do nhiều nguyên nhân.


Giá thấp, năng suất giảm


Đến huyện Diên Khánh những ngày này, đi đâu cũng nghe chuyện mì rớt giá, không ai mua. Ông Trần Trường Hùng (thôn Kinh Tế Mới, xã Suối Tiên) cho biết: “20ha mì của nhà tôi hiện nay vẫn nằm phơi nắng trên rẫy. Nếu tự nhổ bán, giá khoảng 900 đồng/kg, còn bán đám (bán cả rẫy, người mua tự thu hoạch) thì chỉ 800.000 đồng/sào (1.000m2). Tôi đầu tư 1 sào mì tốn 1,5 triệu đồng chưa tính công, với giá bán đó lỗ 700.000 đồng/sào”. Theo một số nông dân, giá mì năm nay chỉ bằng phân nửa giá mì năm trước (năm trước khoảng 2,1 triệu đồng/sào).

 

Mì xắt lát ở thị trấn Cam Đức đang chờ vựa thu mua
Mì xắt lát ở thị trấn Cam Đức đang chờ vựa thu mua


Giá đã thấp, người mua cũng khó kiếm. Ông Đinh Quốc Yên (cùng thôn) kể, ông muốn giải phóng nhanh gần 4ha mì để trồng cây khác nên chấp nhận bán lỗ, nhưng đến giờ chưa ai mua. Nhiều nông dân trong xã đã đến nhà máy sản xuất mì ở xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), thị trấn Cam Đức, xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm) hỏi nhưng chẳng tìm được người mua. Một số người mua cho biết, do thị trường Trung Quốc ngưng nhập bột mì nên họ không dám thu mua nhiều.


Ngoài ra, năm nay, năng suất mì cũng thấp hơn mọi năm. Ở một số nơi đã thu hoạch như các xã: Diên Lâm, Diên Xuân, Suối Tiên…, năng suất chỉ đạt 800 -  1.000kg/sào, trong khi vụ trước, năng suất 2,5 tấn/sào. “Do mưa nhiều, cây bị ngập úng, kém phát triển, lại thêm bệnh nấm thân nên củ nhỏ, năng suất mì giảm đáng kể”, bà Đỗ Thị Lan, nông dân thôn Xuân Tây, xã Diên Xuân cho biết.  


Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, vụ mì năm nay, toàn huyện sản xuất hơn 300ha, tập trung nhiều nhất ở xã Suối Tiên (250ha), ngoài ra còn có ở Diên Lâm, Diên Lộc, Diên Xuân, Diên Đồng... Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch hơn 50% diện tích. Trước tình hình giá mì thấp, khó tiêu thụ, Phòng Kinh tế huyện đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân thu hoạch mì, xắt lát phơi khô, để dành khi được giá mới bán. Ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều nông dân đã chuyển sang trồng cây khác. Theo chủ trương của tỉnh, huyện đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng, trong đó, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả như cây mì được khuyến khích chuyển sang trồng cây ăn quả, cây keo.

 
Đất cứng, khó bán đám


Ở huyện Cam Lâm, mì “nằm rẫy” nhiều chủ yếu bởi đất cứng. Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện trồng 1.400ha mì, chủ yếu ở các xã: Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc, Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức. Do năm ngoái mưa nhiều, đến nay nắng trở lại khiến đất bị cứng, không nhổ được mì. Bên cạnh đó, tiền công đào cao nên nhiều người thu mua ngại mua đám, chủ yếu mua cân. Cũng do tiền công đào nặng nên giá bán mì bị hạ thấp, có nơi khoảng 1 triệu đồng/sào không ai mua, trong khi năm ngoái được 1,5 - 2 triệu đồng/sào. “Hiện tại, hơn một nửa diện tích mì chưa nhổ bán được vì đất cứng. Một số nơi trũng, ngập nặng vào đợt mưa cuối năm trước còn làm củ mì hỏng, khi ra lại đợt mới thì củ rất nhỏ”, ông Ta nói. 

 

Đến nay, nhiều rẫy mì ở xã Suối Tiên chưa được thu hoạch
Đến nay, nhiều rẫy mì ở xã Suối Tiên chưa được thu hoạch

 

Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Vụ mì năm nay, toàn tỉnh sản xuất 4.555ha, trong đó huyện Khánh Vĩnh nhiều nhất, khoảng 1.400ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.540ha, riêng Khánh Vĩnh thu hoạch gần xong, Cam Lâm thu hoạch được khoảng 300ha, Diên Khánh hơn 250ha... Tuy chưa có số liệu thống kê toàn tỉnh nhưng nhìn chung, năng suất mì năm nay thấp, chỉ khoảng 14 - 15 tấn/ha (năm trước 17 - 18 tấn/ha). Người trồng mì đang gặp khó khăn trong khâu thu hoạch do mưa nhiều cuối năm ngoái, đất nén lại, mất nhiều công thu hoạch, giá nhân công cao, làm giảm hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, hàm lượng tinh bột trong củ mì thấp, giá mì hạ hơn mọi năm khiến nông dân không có lãi.

Ông Nguyễn Văn Trang (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) kể, nhà ông cho thuê hơn 1 mẫu (10.000m2). Hiện nay, người thuê đất than phiền giá bán chỉ chừng 1 - 1,8 triệu đồng/sào, trong khi mấy năm trước, giá trung bình 3 triệu đồng/sào. Cùng xã ông, có những diện tích được nông dân chào bán với giá 800.000 đồng/sào mà không ai mua bởi đất vùng trũng thấp, mưa nhiều nên bị cứng, củ thối cũng nhiều. Ngay những nơi đã bán được 1 triệu đồng/sào cũng khó nhổ. “Năm nay, thu hoạch mì chẳng khác gì đi mót mì, bởi không thể lắc nhấc cả thân mà phải đào củ. Vì vậy, nhiều người ngần ngại không mua đám. Công thuê đào mì cũng cao, 180.000 - 200.000 đồng/ngày công nam. Năng suất thu hoạch lại giảm mạnh do đất cứng. 1 công nam, mọi năm nhổ 1 ngày được 2 tấn mì thì năm nay đào củ cả ngày cật lực không được 1 tấn”, ông Trang nói. 

 
Được biết, toàn thị trấn Cam Đức năm nay trồng 90ha mì. Hiện nay, giá bán tại ruộng chỉ 900 - 1.000 đồng/kg tươi, nếu vận chuyển mì ra tới đường đi,  giá cũng chỉ nhích lên chút xíu.


Thu mua mì hơn chục năm, ông Trịnh Minh Khánh (tổ dân phố Nghĩa Nam, thị trấn Cam Đức) cho biết, chưa vụ mì nào khó khăn như năm nay. Tuy vẫn mua mì đám, nhưng khâu thu hoạch chật vật hơn nhiều. So với mọi năm, năm nay, lượng mì đào được mỗi ngày giảm 30 - 40%. Đất cứng tới nỗi không dùng cuốc được, ông phải chế dụng cụ đào bằng nhíp xe, chảo cày hư. Nhân công thuê đã cao, lại hiếm, phải gọi người từ nơi xa tới. Trung bình, cứ 8 triệu đồng tiền bán mì, nông dân phải bỏ ra 3,2 - 4 triệu đồng tiền thuê đào mì (trong khi nếu đất mềm, tiền công chỉ 2 triệu đồng). Nhiều nông dân phải bỏ rẫy, chờ mưa xuống, đất mềm mới thu hoạch. Đám mì 9 sào mà ông Khánh vừa mua, nhổ được 6 sào, còn 3 sào cũng bỏ chờ mưa. Bên cạnh đó, bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh lại thu mua cầm chừng. Từ ngày 20 tháng Giêng đến nay, ông mới thu mua được 200 tấn mì tươi, nhưng gần nửa đã xắt lát, phơi khô, đóng bao mà chưa chuyển đi được do bạn hàng chưa lấy. Số bao này đang phải phơi tạm ngoài trời, bởi không chứa xuể ở nhà.    


T.M - N.K - H.D - H.Q