Từ cuối năm 2016, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bắt đầu thực hiện chủ trương đưa vào sản xuất thí điểm những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt hơn so với giống lúa truyền thống nhằm giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ cuối năm 2016, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bắt đầu thực hiện chủ trương đưa vào sản xuất thí điểm những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt hơn so với giống lúa truyền thống nhằm giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho người dân.
Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, xã Vạn Phước đưa vào sản xuất thí điểm giống lúa mới ĐT45 trên diện tích 10ha với 56 hộ tham gia. Hiện nay, lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch. Ông Lê Văn Hâng - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ khuyến nông xã cho biết, mặc dù khi xuống giống gặp thời tiết không thuận lợi, nhưng lúa phát triển khá tốt, thời gian sinh trưởng khoảng 105 đến 110 ngày, cây cứng không đổ ngã, có khả năng chống chịu sâu cuốn lá, đục thân. “Để đánh giá chính xác giống lúa này, chúng tôi đã tổ chức hội thảo đầu bờ; theo kết luận thì đây là giống lúa cho năng suất cao, mang lại thu nhập cho người dân. Sau khi thu hoạch định lượng, năng suất của giống lúa này đạt 80 tạ/ha. So với giống truyền thống Ma Lâm 202 trên chân ruộng Vạn Phước chỉ đạt 72 tạ/ha với giá thành ngang nhau là 5.500 đồng/kg. Không chỉ vậy, chi phí cho 1ha của giống mới chỉ khoảng 14, 6 triệu đồng, trong khi giống cũ lên đến hơn 15,6 triệu đồng. Trong vụ tới, chúng tôi sẽ xin chủ trương nhân rộng khoảng 250ha giống này”, ông Hâng nói.
Giống lúa ĐT45 tại xã Vạn Phước phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch |
Tương tự Vạn Phước, vụ đông xuân năm 2016 - 2017, xã Vạn Phú đưa vào sản xuất thí điểm giống OM7347 trên diện tích 10ha. Đây là giống lúa mới chất lượng cao được thị trường ưa chuộng. Sau khi tính định lượng, giống lúa này có thể cho năng suất đạt 65 đến 70 tạ/ha với giá thành 6.000 đồng đến 6.500 đồng/kg. Theo ông Đinh Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phú, mặc dù chưa thu hoạch nhưng có thể đánh giá được giống lúa này có chất lượng cao hơn so với giống truyền thống là Ma Lâm 202. Thực hiện chủ trương của huyện, trong vụ hè thu tới, xã sẽ dùng giống này để nhân rộng, nâng tổng diện tích trồng lên 22ha. Sau khi có đánh giá chính xác và lấy ý kiến của nông dân sẽ đưa vào sản xuất đại trà.
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, các giống lúa mới được đưa vào sản xuất thí điểm trong vụ đông xuân 2016 - 2017 tại huyện gồm có ĐT45 và OM7347; trong đó giống lúa ĐT45 được gieo cấy tại xã Vạn Phước (10ha) và Vạn Khánh (7ha); giống OM7347 gieo cấy tại xã Vạn Phú (10ha). Việc đưa vào sản xuất thí điểm các giống lúa mới chất lượng cao là hướng đi quan trọng, mang tính đột phá của huyện Vạn Ninh, phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân. Việc thí điểm giống lúa mới tại chỗ không chỉ cho năng suất và sản lượng tốt, mà thành công của mô hình còn tạo sự đột phá trong việc áp dụng bộ giống mới vào sản xuất và từng bước xã hội hóa công tác làm giống trên địa bàn. Theo kế hoạch, trong vụ hè thu năm nay, ngoài các xã tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình nhân giống lúa mới, huyện thực hiện thí điểm thêm khoảng 10ha tại xã Xuân Sơn. Để mô hình nhân giống lúa mới đạt hiệu quả, Phòng Kinh tế đã kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp lý cho các địa phương như: trợ giá các giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật và công tác chỉ đạo kỹ thuật trong cả mùa vụ...
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, sự thành công bước đầu của mô hình này tạo đột phá trong việc áp dụng bộ giống mới đưa vào sản xuất, phủ kín diện tích để thay thế dần các giống lúa bị thoái hóa, kém chất lượng, giúp nông dân chủ động một phần lượng giống có chất lượng để sản xuất hàng năm. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật cho cán bộ chỉ đạo mô hình và các hộ sản xuất lúa giống ở các địa phương chưa được làm giống tại chỗ, từ đó có cơ sở nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn.
MẠNH HÙNG