Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định cho phép lập Dự án "Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2030".
Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định cho phép lập Dự án “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Qua hơn 2 năm triển khai, bức tranh ngành nghề nông thôn Khánh Hòa đã được định hình. Tuy nhiên, trong bức tranh đó, những gam màu tối dường như đang chiếm thế chủ đạo.
Thu nhập chưa như mong đợi
Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn. Trong quá trình phát triển, rất nhiều sản phẩm từ ngành nghề nông thôn đã mất dần chỗ đứng, bị đánh bật khỏi thị trường. Nhiều ngành nghề cũng từ đó dần rơi vào suy thoái. Thu nhập của người làm nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều năm trước, những làng nghề như: mây tre đan, dệt chiếu cói, làm nón một thời vang bóng, nhất là ở khu vực ngoại thành Nha Trang, Ninh Hòa… Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa, các vùng trồng cói bị thu hẹp, nguyên liệu mây, tre đan luôn trong tình trạng khan hàng, cùng với các sản phẩm làm bằng các vật liệu khác như nhựa, gỗ… dần chiếm thế thượng phong, khiến các làng nghề bị thu hẹp. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Thu nhập bình quân của người lao động chưa đầy 3 triệu đồng/tháng.
Tác phẩm đá mỹ nghệ của người dân phường Ninh Giang |
Đối với các ngành nghề liên quan đến sản xuất, chế biến thủy hải sản, toàn tỉnh hiện có hơn 550 cơ sở, giải quyết lao động cho hơn 1.500 người và cho thu nhập bình quân khoảng 4,1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hoạt động chế biến các mặt hàng thủy sản đông lạnh và thủy sản khô được cơ quan chức năng đánh giá là có tác động chưa tốt đến môi trường. Riêng ngành sản xuất nước mắm của Khánh Hòa vốn nổi tiếng cả nước, một số thương hiệu nước mắm đã khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, ngành này còn đối diện với không ít vấn đề. Theo kết quả của Đề tài nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường làng nghề chế biến nước mắm tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Võ Văn Nha - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III làm chủ nhiệm: Làng nghề chế biến nước mắm tỉnh Khánh Hòa phát triển với quy mô gia đình theo hướng tự phát. Tại các cơ sở sản xuất, có tới 60,2% cơ sở chưa thực hiện xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Các chỉ tiêu môi trường trong mẫu nước tại các làng nghề cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép... Các ngành nghề đang có chỗ đứng nhất định như: đúc đồng, bún, bánh tráng, sản xuất gạch ngói thủ công… cũng đang đối diện với vấn đề môi trường.
Nông thôn làm nghề gì?
Đây là đại ý câu hỏi mà đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra cho các sở, ngành và đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030. Tuy nhiên, với câu hỏi Khánh Hòa sẽ quy hoạch những ngành nghề gì cho 10 năm tới và định hướng xa hơn, để ngành nghề đó là hướng đi phù hợp nhất thì hầu như chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng.
Đồng chí Đào Công Thiên: Những người làm công tác quy hoạch và những làng nghề ở khu vực nông thôn cần phải nghĩ ra được những sản phẩm gọn nhẹ, mang tính biểu trưng, kỷ niệm và mang đặc trưng của vùng đất Khánh Hòa, những sản phẩm dễ mua, dễ mang theo bên mình trong chuyến du lịch. Ngoài việc tập trung xác định cho được các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống cần bảo tồn, phát triển, đơn vị tư vấn cũng phải chỉ ra được các ngành nghề, làng nghề, mặt hàng có thể gắn kết với hoạt động du lịch. Ngoài những nghề đã có, chúng ta cần phải học hỏi, tìm hiểu tất cả các ngành, nghề trong nước và trên thế giới, làm sao để ngành nghề nông thôn phải tạo ra được nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Theo thống kê, ngành nghề nông thôn ở Khánh Hòa được chia thành 6 nhóm nghề, gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu; sản xuất vật liệu xây dựng; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng vận tải và các dịch vụ khác. Các ngành nghề nông thôn ở Khánh Hòa đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 27.000 lao động, chiếm 6,3% lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 4,4 triệu đồng/người. |
Khi phân bổ theo nội dung, ngành nghề nông thôn trong định hướng phát triển được phân ra 3 khía cạnh. Đó là ngành nghề truyền thống, ngành nghề gắn với du lịch và ngành nghề mới. Với các ngành nghề truyền thống, nhất định sẽ có các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển. Vì đây không đơn thuần chỉ là một ngành, nghề, mà còn là văn hóa, bản sắc của địa phương, của dân tộc. Tuy nhiên như đã nói, phần nhiều ngành nghề đã mai một hoặc không còn là cứu cánh cho bài toán thu nhập của cư dân nông thôn. Các ngành có thu nhập cao hơn lại đang phải đối diện với vấn đề môi trường. Với các ngành nghề gắn với du lịch, Khánh Hòa có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, việc đưa du khách đến các làng nghề, làng nghề truyền thống lại đang gặp không ít trở ngại. Trước hết, với 6 nghề truyền thống, 4 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống đã được công nhận, không nhiều trong số các nghề này có thể thu hút du khách. Nghề gốm thôn Trung Dõng, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh chỉ còn một vài hộ sản xuất; gốm Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang cũng không thoát khỏi cảnh quạnh hiu; nghề dệt chiếu cói ở thị xã Ninh Hòa, Nha Trang chỉ hoạt động theo mùa và cũng đang lụi dần… Nghề chế tác trầm hương từ cây dó bầu ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, Vạn Ninh có thể khơi gợi mong muốn tìm hiểu của du khách khi đến xứ Trầm. Nhưng Vạn Ninh lại chưa có sự phát triển du lịch xứng tầm để có thể thu hút đông đảo du khách. Làng trồng hoa cúc ở Ninh Giang, Ninh Hòa chỉ hoạt động trong một thời điểm nhất định trong năm… Rõ ràng, các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống với những hạn chế nhất định chưa phải là điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Ở một khía cạnh khác, khi đặt ra câu hỏi vậy đâu là sản phẩm của các làng nghề có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách, câu trả lời cũng không dễ dàng. Bởi thật khó để du khách tìm đến một xưởng gỗ mỹ nghệ mua về một cặp lục bình vừa to vừa nặng; hoặc đến làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Giang mang về một chiếc cối đá.
Việc xác định nghề mũi nhọn, giải bài toán tăng thu nhập cho người dân thông qua các ngành nghề nông thôn đã và đang được cơ quan chuyên môn, các sở, ngành và UBND các cấp tích cực xây dựng. Hy vọng khi hoàn thiện, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Khánh Hòa 10 năm tới và tầm nhìn xa hơn sẽ là cú hích giúp cho kinh tế nông thôn thêm đa dạng, tạo được nhiều việc làm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân khu vực nông thôn.
H.Đ