09:03, 05/03/2017

Khánh Sơn: Bấp bênh thương hiệu mía tím

Nhắc đến Khánh Sơn, bên cạnh cây sầu riêng đã làm nên thương hiệu, cây mía tím cũng đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Tuy nhiên hiện nay, nông dân Khánh Sơn đang gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển chất lượng mía tím.

Nhắc đến Khánh Sơn (Khánh Hòa), bên cạnh cây sầu riêng đã làm nên thương hiệu, cây mía tím cũng đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Tuy nhiên hiện nay, nông dân Khánh Sơn đang gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển chất lượng mía tím.


Cây mũi nhọn


Theo những người trồng mía ở Khánh Sơn, cây mía tím đã “di cư” lên Khánh Sơn từ cách đây gần 30 năm và phát triển mạnh mẽ nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Ở mảnh đất này, các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu hết sức thuận lợi cho cây mía phát triển. Mía tím Khánh Sơn được biết đến với rất nhiều ưu điểm: thân mía to, thẳng, cao từ 2,5 đến 3m, lóng mía dài. Người dùng rất thích những cây mía nơi đây bởi độ mềm và hương vị thanh ngọt đặc trưng. Với những ưu điểm trên, từ chỗ chỉ bán trong tỉnh, cây mía tím Khánh Sơn đã có mặt ở các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ngãi, rồi len lỏi vào tận các tỉnh phía nam.

 

Thu hoạch mía tím ở Khánh Sơn
Thu hoạch mía tím ở Khánh Sơn


Ông Bo Bo Khá (tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) cho hay: “Trung bình mỗi năm 1 vụ, nếu được đầu tư phân bón, nước tưới đúng mức, mỗi sào mía cho thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, bắp và mì”. Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Toàn xã hiện có gần 60ha mía tím. Cây mía đang là cây trồng chủ lực ở xã không chỉ bởi thu nhập ổn định ở mức cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác, mà đây còn là loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác của hầu hết người dân”. Còn theo ông Nguyễn Quốc Thái - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp: “Cây mía tím không đòi hỏi quá cao về trình độ canh tác. Đây còn là cây trồng ngắn ngày, cho thu nhập đều đặn và ổn định, giải quyết được nhu cầu trước mắt của người dân nên rất phù hợp với đa số người dân ở Khánh Sơn”.


Hiện nay, diện tích cây mía tím ở Khánh Sơn hơn 300ha, phân bố chủ yếu ở các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp…


Mất dần ưu thế


Tuy là cây trồng chủ lực của huyện, nhưng hiện nay, diện tích cây mía tím đang đến hồi chững lại, thậm chí giảm. Ông Lê Anh Quang - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình cho biết: “Năm 2015, toàn xã có 38ha mía tím, đến nay giảm chỉ còn 30ha. Xã đang triển khai đề án chuyển đổi cây trồng với 94ha được phê duyệt, nhưng chủ yếu chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi, quýt, sầu riêng, không chuyển đổi diện tích mía tím”.


Không chỉ ở Sơn Bình, tình trạng suy giảm diện tích mía tím cũng xảy ra ở xã Sơn Hiệp. Ít năm trước, toàn xã có 65ha mía, nhưng nay chỉ còn 59ha. Một phần do tình trạng sạt lở đất 2 bên bờ sông, phần do người dân chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Ông Trần Tấn Chóng cho hay: “Cây mía tím vẫn hiệu quả, nhưng không còn ở mức độ như trước. Mỗi héc-ta mía tím trước đây bình quân mang về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, nhưng nay chỉ còn khoảng 70 triệu đồng. Nguyên nhân khiến cho cây mía tím giảm hiệu quả là đất đai không còn màu mỡ như trước, chi phí đầu tư cao hơn, giống mía đang có dấu hiệu bị thoái hóa, nên mía không còn “đẹp” như trước, giá bán ra giảm”.


Đưa chúng tôi đến vườn mía, ông Bo Bo Khá chia sẻ: “Năm 2002, nhà tôi có 1 sào mía. Nhờ hiệu quả nên diện tích không ngừng được tăng lên. Đến năm 2014, do không còn hiệu quả như trước, trong 4 sào mía của mình, tôi đã chuyển 2 sào sang trồng cỏ nuôi bò”. Về vấn đề này, lãnh đạo thị trấn Tô Hạp khẳng định: “Ăn thử cây mía bây giờ thấy cứng hơn, độ thơm, ngọt cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể cây mía giờ mắt dày hơn, cây ngắn hơn. Ngoài việc phần lớn các hộ trồng mía không tái đầu tư đủ lớn để cải tạo đất, duy trì độ màu mỡ, thực trạng giống mía tím đang thoái hóa đã được các cấp, ngành ở huyện và người dân nhìn nhận từ lâu. Tuy nhiên, việc phục tráng giống cây trồng này lại đang đứng trước nhiều khó khăn”.


Phát triển giống mía cấy mô sạch bệnh


Theo lãnh đạo thị trấn Tô Hạp, gần 10 năm trước, hoạt động phục tráng giống mía tím bằng phương pháp cấy mô sạch bệnh đã thực hiện thí điểm trên một số diện tích và khẳng định được tính ưu việt so với loại giống mà người dân vẫn đang trồng. Tuy nhiên, thời điểm triển khai dự án lại rơi vào lúc giá mía xuống thấp. Hơn nữa giá mua giống mía cấy mô khá cao nên nhiều người dân ngại chuyển đổi, tiếp tục sử dụng giống mía cũ. Vì vậy, dự án chưa triển khai sâu rộng vào sản xuất.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hiếu -  Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, trước thực trạng giống mía tím đang có dấu hiệu thoái hóa, năm 2015, huyện đã đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ là thực hiện giống mía bằng phương pháp cấy mô sạch bệnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết vấn đề này. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn xây dựng phương án sản xuất mía tím và chuối mốc từ nuôi cấy mô cung ứng cho huyện. Theo kế hoạch, 360.000 hom mía tím cấy mô sạch bệnh sẽ được bàn giao trong năm 2017. Mục tiêu đặt ra là từ 360.000 mô mía tím, Khánh Sơn sẽ thực hiện nhân giống dần dần và chuyển giao vào sản xuất.


Ông Mai Xuân Thương - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, trung tâm đã triển khai ươm giống mía tím từ nuôi cấy mô vào năm 2015 và đã trồng thử nghiệm trên địa bàn Khánh Sơn, kết quả thu về rất tốt. Tuy nhiên, khi trung tâm đã thực hiện xong việc cấy mô, hoạt động chuyển giao đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được do huyện Khánh Sơn chưa có kinh phí để tiếp nhận giống mía này.


Hồng Đăng