Tại hội thảo "Phát triển ngành rong biển tại Việt Nam" do Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Nha Trang vừa qua, các đại biểu nhận định, Khánh Hòa cũng như các địa phương ven biển đang có nhiều lợi thế để phát triển rong biển...
Tại hội thảo “Phát triển ngành rong biển tại Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Nha Trang vừa qua, các đại biểu nhận định, Khánh Hòa cũng như các địa phương ven biển đang có nhiều lợi thế để phát triển rong biển thành một ngành hàng thủy sản có giá trị kinh tế, bền vững.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Việt Nam hiện có hơn 800 loài rong biển gồm: rong đỏ, rong lục, rong nâu, rong lam với trữ lượng tự nhiên từ 80 đến 100 tỷ tấn. Diện tích nuôi trồng rong biển ở Việt Nam hơn 10.000ha, đạt sản lượng hơn 101.000 tấn tươi/năm. Rong biển được nuôi trồng tập trung ở các vùng ven biển, Bắc Bộ gần 6.600ha, Bắc Trung Bộ hơn 2.000ha, Nam Trung Bộ 1.400ha và đồng bằng sông Cửu Long 100ha. Riêng Khánh Hòa, nuôi rong biển khoảng hơn 300ha, trong đó rong sụn chiếm đến 80%, tập trung tại các địa phương: Cam Lâm, Cam Ranh và Vạn Ninh. 20% còn lại là rong nho thả nuôi tại các vùng: Cam Lâm và Ninh Hòa. Mỗi năm, sản lượng rong biển khoảng 2.000 tấn.
Thanh niên giúp dân thu hoạch rong. Ảnh: BKH |
Bên cạnh đó, trong số hơn 800 loài rong biển thì vùng biển nước ta có 90 loài rong có giá trị kinh tế. Trong đó, hai nhóm loài rong biển có trữ lượng nguồn lợi tự nhiên lớn là rong mơ và rong câu. Khánh Hòa là một trong những địa phương tiên phong trong chế biến, xuất khẩu hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ rong biển như: rong nho được các doanh nghiệp xuất đi Nhật Bản; chiết xuất Fucoidan từ rong nâu…
Th.s Đỗ Anh Duy - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu bảo tồn biển, Viện Nghiên cứu hải sản cho biết, ngư dân Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương ven biển trong nước chủ yếu khai thác rong biển theo kiểu tự phát. Đơn cử như rong mơ khai thác tại vùng biển Ninh Hòa, Nha Trang được phơi khô, thương lái đến tận nơi thu mua với giá chỉ từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg. Phần lớn số rong biển này được xuất thô theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Việc khai thác rong biển còn bừa bãi, khai thác cả những lúc rong còn non, rong đang mùa sinh sản. “Số lượng rong biển qua chế biến hoặc chiết xuất ra sản phẩm có tỷ lệ rất ít, hiện nay đại đa số vẫn xuất thô sang Trung Quốc. Việc khai thác bừa bãi vừa làm giảm sản lượng vừa gây ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, để giống cho mùa sau. Toàn quốc vẫn chưa có quy định tổng thể về vấn đề này. Có rất ít địa phương như Khánh Hòa đã ban hành quy chế quản lý nhưng việc quản lý vẫn còn lỏng lẻo” - Th.s Duy chia sẻ.
Phó GS-TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng cho rằng, tuy có nhiều tiềm năng nhưng lâu nay, ngành nông nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc trồng rong biển. Hiện nay, ngoài số lượng xuất thô theo đường tiểu ngạch, giá trị kinh tế thấp thì không có nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng nên không có nhiều doanh nghiệp mặn mà với rong biển. “Indonesia là nước cận kề chúng ta nhưng mỗi năm trồng được 10 triệu tấn rong. Việt Nam với vùng biển rộng lớn thì việc trồng được 1 - 2 triệu tấn là trong khả năng của chúng ta. Thế nhưng, lâu nay, chúng ta chưa quan tâm đến ngành này, nên sản lượng rất thấp”, ông Dũng nói.
Cần có giải pháp bền vững
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển rong biển sẽ giải quyết nhiều vấn đề, ở bình diện tổng thể giải quyết được khí thải nhà kính, làm sạch môi trường, rong biển hấp thụ được các kim loại nặng tại các vùng biển ô nhiễm, các vùng nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, khi nuôi đa loài kết hợp rong biển, rong sẽ thu hết các dưỡng chất phát sinh, tận dụng tốt thức ăn. Khi thu hoạch, rong đem về nguồn lợi kinh tế, giúp ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường cùng với việc khai thác quá mức đã làm suy giảm nguồn lợi rong biển tự nhiên. Để phát triển và bảo vệ nguồn lợi rong biển Việt Nam, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp như: khai thác rong biển tự nhiên đúng mùa vụ, đúng kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi. Đối với khai thác rong mơ, chỉ nên khai thác sau khi rong đã phóng thích bào tử, khi thu hoạch cần để lại thân chính khoảng 10cm để rong mơ tái phát triển và hình thành thêm các thỏi sinh sản. Đối với rong câu, chỉ nên khai thác vào sau thời kỳ sinh sản khi rong đã phóng thích bào tử, lúc khai thác phải chừa lại một số nhánh gốc, phần gốc này sẽ giúp rong phát triển trở lại; cần có quy định khai thác định kỳ... Bên cạnh đó, cần mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả nuôi trồng rong biển, tận dụng hết diện tích đã được quy hoạch nuôi trồng trên phạm vi toàn dải ven biển, ven đảo. Ngoài đối tượng truyền thống là rong câu, cần bổ sung các đối tượng trồng mới có giá trị, chất lượng cao. Ngoài ra, cần xây dựng một số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển, kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đã có những doanh nghiệp có rong biển để xuất khẩu nhưng quy mô tương đối nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của các vùng biển nước ta. Qua hội thảo lần này, Tổng cục sẽ rà soát lại những khó khăn tồn tại, xác định hướng đi sắp đến. Thời gian tới, cần đánh giá những vùng biển tiềm năng, phù hợp với các đối tượng, từ đó nghiên cứu phát triển các loài bản địa thành sản phẩm hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, tại tỉnh Khánh Hòa hiện có đường bờ biển dài trong số 27 tỉnh, thành ven biển của cả nước, có thể quy hoạch, tổ chức sản xuất khai thác bền vững các loài rong biển, giúp bảo vệ môi trường, tạo được môi trường sinh thái cho các loài thủy sản sinh sống. Đây là hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản bền vững.
L.K