10:03, 17/03/2017

Hệ lụy lớn từ nuôi tôm trải bạt

Phong trào nuôi tôm trải bạt ở xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) tuy mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Để tránh hậu quả khó lường về sau, vấn đề nuôi tôm trải bạt cần được siết chặt quản lý.

Phong trào nuôi tôm trải bạt ở xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) tuy mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Để tránh hậu quả khó lường về sau, vấn đề nuôi tôm trải bạt cần được siết chặt quản lý.


Lãi tiền tỷ…


Làng biển Ninh Mã, Tuần Lễ (xã Vạn Thọ) nay đã có nhiều thay đổi nhờ phong trào nuôi tôm trải bạt. Hơn 40ha đìa đất trước đây của người dân làm ăn không hiệu quả nay đã được phủ bạt kín cả một vùng. Thậm chí nhiều hộ còn lấn cả khu rừng ngập mặn ven biển để nuôi tôm, tự ý chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây lâu năm thành đất nuôi trồng thủy sản mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.

 

1
Lót bạt để chuẩn bị nuôi tôm


Năm 2014, gia đình ông Lê Quang Duy (thôn Tuần Lễ) quyết định chuyển đổi hơn 2ha đìa đất sang trải bạt và chia thành 8 hồ nuôi tôm; chỉ tính riêng tiền làm hồ lót bạt đã hơn 500 triệu đồng/hồ. Ông Duy chia sẻ: “Nuôi tôm trên hồ đất đầu tư ít nhưng tỷ lệ thiệt hại do tôm bệnh cao. Ngược lại, nuôi tôm bằng hồ trải bạt đầu tư rất cao song tôm ít bị bệnh dịch nên chỉ cần 1 vụ (3 tháng) là có thể lấy lại vốn. Không chỉ vậy, hồ đất mỗi năm chỉ nuôi được 1 đến 2 vụ, còn hồ trải bạt mỗi năm thả nuôi được 3 vụ và ít bị hao hụt giống. Với 8 hồ nuôi, sau khi trừ chi phí thức ăn, điện, nhân công... mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 1,5 tỷ đồng; mỗi hồ nuôi 0,25ha có thể thu được trung bình 5 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ 100 con/kg”.


Theo ông Võ Đức Kỷ, một trong những hộ đầu tiên nuôi tôm trải bạt ở huyện Vạn Ninh, tại khu vực Tuần Lễ, trước đây người dân địa phương nuôi tôm sú trên hồ đất nhưng thất bại. Đến khoảng năm 2011 - 2012, một số hộ bắt đầu chuyển sang trải bạt nuôi tôm. So sánh về nuôi tôm trên hồ đất và trên hồ trải bạt, ông Kỷ nói: “Khi làm vệ sinh, hồ đất không bao giờ xả hết nước được, không thể làm sạch hồ, từ đó dẫn đến ô nhiễm hồ nuôi, kéo theo dịch bệnh. Trong khi đó, hồ bạt lúc nào cũng có thể xả khô hết nước, hồ nuôi được vệ sinh sạch sẽ nên hạn chế được ô nhiễm”. Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cũng khẳng định: “Tôm nuôi trên hồ bạt có môi trường ổn định, nguồn nước lấy dưới lòng đất nên sạch hơn, kiểm soát được dịch bệnh, tôm phát triển nhanh nên năng suất cao, mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi”.

 

Hàng ngày, người dân cho tôm ăn 4 lần
Hàng ngày, người dân cho tôm ăn 4 lần


Tiếp chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Liêm - Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ khoe: “Nuôi tôm trên bạt đem lại lợi nhuận rất cao, gấp hàng chục lần so với nuôi tôm trên hồ đất. Tôm bạt đã giúp người dân nhanh chóng đổi đời; chỉ qua 2, 3 năm nuôi tôm mà có hộ sắm được xe hơi. Thấy lợi nhuận từ nuôi tôm trải bạt cao, nên các hộ trong xã đã ồ ạt chuyển đổi toàn bộ diện tích hồ đất sang nuôi trải bạt. Không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ xã Vạn Thọ cũng nuôi tôm trên bạt”.


… và những hệ lụy


Những ngày tìm hiểu chuyện nuôi tôm trải bạt ở xã Vạn Thọ chúng tôi nhận thấy, cùng với sự giàu lên nhanh chóng của các chủ đìa tôm thì khu vực này đang phải hứng chịu những hệ lụy về môi trường. Đi dọc tuyến đường Cổ Mã - Đầm Môn, xen lẫn những hồ nuôi tôm là những mương nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, thậm chí nước thải còn khiến cho rừng ngập mặn Tuần Lễ chết mòn. Quan sát, chúng tôi chứng kiến nước thải từ hồ nuôi không qua xử lý, lắng lọc, xả thẳng ra vịnh Vân Phong.

 

Nguồn nước nuôi tôm trải bạt đen ngòm được người nuôi thải trực tiếp ra môi trường
Nguồn nước nuôi tôm trải bạt đen ngòm được người nuôi thải trực tiếp ra môi trường


Qua câu chuyện với ông Lê Quang Duy, được biết, cũng vì lợi nhuận của tôm trải bạt cao mà các hộ nuôi đều tận dụng hết diện tích đất để nuôi tôm, không làm hồ lắng nước thải trước khi xả ra biển. “Trong quá trình nuôi, 1 ngày cho tôm ăn 4 lần, phải xi-phông hồ 2 lần, lượng nước, chất thải trong hồ được thải trực tiếp ra biển bao nhiêu thì tiếp tục hút nước ngầm từ ngoài biển để bù vào bấy nhiêu”, ông Duy nói. Ông Huỳnh Ngọc Liêm cũng thừa nhận: “Toàn bộ nước thải chứa các tạp chất, thức ăn dư thừa, thuốc tẩy rửa hồ nuôi… không được người dân đưa vào hồ lắng mà thải thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường”.

 

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Vạn Ninh mới đây, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, huyện Vạn Ninh cần làm nghiêm và không cho phép phát triển ồ ạt hoạt động làm hồ trải bạt nuôi tôm. Bởi vì rủi ro từ hoạt động này rất lớn, nước thải không qua xử lý đổ ra biển làm ô nhiễm môi trường. Sau đó người nuôi lại hút chính nguồn nước đó vào nuôi sẽ rất dễ xảy ra dịch bệnh, dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó, việc không cho phép phát triển nuôi tôm trải bạt là nhằm giữ môi trường biển trong sạch để phục vụ cho việc phát triển Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong.

Theo thông tin từ Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh, đến nay chưa có khảo sát nào về nguồn nước ngầm ở khu vực này nên chưa thể có đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, trung bình mỗi hồ nuôi phải khoan từ 1 đến 2 giếng để hút nước ngầm nuôi tôm nên dẫn đến tình trạng cạn kiệt, mất cân bằng nguồn nước. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, người dân xả thải trực tiếp ra vịnh Vân Phong, nguồn nước này ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm nước ngầm. Minh chứng là nguồn nước sinh hoạt tại một số khu vực ở Tuần Lễ đã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Cũng vì nguồn nước ngầm ở gần bờ đã bị ô nhiễm nên một số hộ nuôi bị thua lỗ do tôm chết. Do đó, hiện nay, các hộ ở đây đã bỏ các giếng khoan gần bờ, kéo ra biển (cách bờ khoảng 100 đến 300m) để khoan giếng lấy nước ngầm tiếp tục nuôi tôm.


Trao đổi với người dân thôn Tuần Lễ, nhiều ý kiến cho rằng, nuôi tôm trên bạt chỉ giúp làm giàu cho vài người nhưng để lại hậu quả nặng nề cho người dân, bởi nguồn nước sinh hoạt của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ khi phong trào nuôi tôm trên bạt rộ lên ở Tuần Lễ, người dân rất bức xúc, thậm chí xảy ra xung đột giữa người nuôi tôm và người dân. Người dân địa phương từng chặt ống từ các giếng khoan nước của đìa tôm nhưng một thời gian sau chẳng ai dám chống đối nữa vì sợ bị trả thù. Mỗi khi vào vụ nuôi là họ hút cạn nguồn nước ngầm. Ở Tuần Lễ, 10 nhà thì hết 8 - 9 nhà có nguồn nước bị nhiễm phèn nặng.


Siết chặt quản lý


Dù thừa nhận nuôi tôm trên bạt đang phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, chưa có giải pháp nào xử lý những hệ lụy về môi trường nhưng lãnh đạo UBND xã Vạn Thọ lại đề nghị nên tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi tôm trải bạt.


Theo ông Võ Hoàn Hải - Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, toàn bộ diện tích nuôi tôm trên bạt tại xã Vạn Thọ nằm trong quy hoạch xây dựng Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong nhưng hiện nay, đặc khu chưa được triển khai nên các hộ ở đây đều có mong muốn tiếp tục nuôi tôm trên bạt, khi nào đặc khu triển khai thì người dân sẽ trả lại diện tích nằm trong quy hoạch. Để hạn chế những hệ lụy về môi trường do hoạt động nuôi tôm, huyện sẽ siết chặt công tác quản lý, quy hoạch lại vùng nuôi, đặc biệt là yêu cầu các hộ đang nuôi tôm phải thực hiện sản xuất theo đúng quy trình, có hồ chứa nước thải để xử lý trước khi xả ra môi trường. “Thời gian tới huyện Vạn Ninh nghiêm cấm tuyệt đối việc phát triển thêm diện tích nuôi tôm trải bạt”, ông Hải khẳng định.

 

Năm 2012, trên địa bàn xã Vạn Thọ chỉ có 16 hộ nuôi tôm trên bạt, với diện tích 9ha thì đến nay, số hộ nuôi đã hơn 100 hộ, với tổng diện tích hơn 40ha. Phong trào nuôi tôm công nghiệp trên bạt không chỉ phát triển mạnh ở Vạn Thọ mà còn lan sang nhiều địa phương khác ở Vạn Ninh.

Liên quan đến vấn đề nuôi tôm trên bạt ở Vạn Thọ, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc nuôi tôm trải bạt ở Vạn Thọ, Sở Tài nguyên - Môi trường đã cảnh báo nếu không quản lý tốt, người dân khoan lấy nước ngầm quá mức sẽ gây ra nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, qua kiểm tra 20 ngày, chúng tôi đã phát hiện 57ha nuôi tôm trải bạt ở huyện Vạn Ninh; các hộ chủ yếu nuôi manh mún, không đảm bảo quy trình về nuôi tôm thâm canh. Chúng tôi đã yêu cầu không cho phép phát triển nữa; chỉ những hộ nuôi nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản được UBND huyện cấp đến năm 2020 thì cho duy trì chứ không cho phát triển thêm”.


Tuy lãnh đạo huyện Vạn Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc không cho phép phát triển thêm diện tích nuôi tôm trải bạt nhưng thực tế ở Vạn Thọ hiện nay, một số hộ vẫn đang tiếp tục làm hồ trải bạt để nuôi tôm. Hồ nuôi tôm trải bạt mọc lên, người dân xung quanh lại có thêm những nỗi lo về hệ lụy của nó.  


PHÚ VINH - HẢI LĂNG