11:02, 27/02/2017

Xác định cây trồng trên đất hoang hóa

Việc triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh" đã bước đầu tìm ra các loại cây trồng phù hợp, nhằm giúp người dân khai thác có hiệu quả đất hoang hóa, nâng cao thu nhập.

Việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh” đã bước đầu tìm ra các loại cây trồng phù hợp, nhằm giúp người dân khai thác có hiệu quả đất hoang hóa, nâng cao thu nhập.


Cam Thịnh Tây là xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc của TP. Cam Ranh. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay chiếm khoảng 27%. Cùng với chăn nuôi, trồng trọt là nguồn thu chính của đồng bào. Với diện tích tự nhiên hơn 3.000ha, trong đó đất nông nghiệp gần 500ha, xã có tới 70ha là đất thoái hóa, bạc màu. Trước đây, diện tích đất cằn cỗi này thường bị bỏ hoang, hoặc dùng làm nơi chăn thả gia súc, gia cầm. Nhằm xác định đối tượng cây trồng có khả năng thích nghi với vùng đất này, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh” đã được thực hiện từ tháng 8-2014. Đề tài do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chủ trì; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa là đơn vị chủ quản.

 

Thạc sĩ Nguyễn Phúc Hưng (bìa trái) hướng dẫn cho người dân trồng mô hình đậu phụng xen keo
Thạc sĩ Nguyễn Phúc Hưng (bìa trái) hướng dẫn cho người dân trồng mô hình đậu phụng xen keo


Sau hơn 2 năm thử nghiệm với diện tích gần 5ha, nhóm nghiên cứu đã trồng 4 giống keo: keo nuôi cấy mô, keo lá tràm, keo lưỡi liềm và keo giâm hom. Sau những đợt nắng hạn của năm 2015 và 2016, các loại keo lá tràm, keo lưỡi liềm và keo giâm hom gần như không sống nổi, tỷ lệ chết đến 80 - 90%, có giống chết 100%, chỉ có giống keo nuôi cấy mô có khả năng sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ cây sống đạt gần 60%. Thạc sĩ Nguyễn Phúc Hưng - Phó Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, người trực tiếp thực hiện đề tài cho biết: “Đối với keo nuôi cấy mô, giống đầu tư ban đầu gấp đôi keo thông thường, nhưng tỷ lệ sống cao hơn nhiều so với các đối tượng keo khác trong điều kiện nắng hạn, biến đổi khí hậu hiện nay”.


Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu hướng dẫn người dân trồng thử nghiệm mô hình trồng xen keo và cây ngắn ngày. Hiện nay, 1,3ha mô hình trồng đậu phụng xen trong vườn keo đang phát triển tốt. 2 giống đậu phụng được lựa chọn là LDH01 và L14. Anh Mấu Văn Mín - một trong số hộ trồng theo mô hình thử nghiệm cho biết: “Mô hình này đang cho thấy hiệu quả. Chúng tôi mong tỉnh tiếp tục quan tâm, bởi hiện tại diện tích đất bỏ hoang còn khá nhiều, tiếp tục đầu tư sẽ giúp người dân có thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình”.


Trong quá trình thực hiện đề tài, các cán bộ nghiên cứu cũng giúp đồng bào thay đổi tập quán canh tác, biết coi trọng việc đầu tư cải tạo đất và khai thác hiệu quả vùng đất hoang hóa. Ông Nguyễn Thế Quang - chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh nhận xét: “Đề tài triển khai đã cơ bản xác định được giống phù hợp trên đất thoái hóa. So với một số đề tài trước đã triển khai trên địa bàn Cam Thịnh Tây, chúng tôi thấy có hiệu quả tích cực. Hy vọng trong thời gian tới, đề tài sẽ kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả kinh tế của mô hình để chúng tôi xem xét và kiến nghị các cấp quan tâm, ứng dụng vào đời sống”.


Được biết, đề tài được tiếp tục thực hiện đến tháng 8-2017. Ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây nói: “Chúng tôi đề nghị nên duy trì thực hiện đề tài nhiều năm và có sự nhân rộng, mở rộng mô hình này. Bởi người dân Cam Thịnh Tây chưa có sự chú trọng về cải tạo đất, ít mạnh dạn đầu tư, nếu thực hiện trong thời gian ngắn rồi giao lại cho nhân dân tự canh tác, tự chăm sóc, quản lý thì hiệu quả sau này sẽ kém”.


LIÊN MINH