11:02, 15/02/2017

Trợ lực cho kinh tế hợp tác

Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2016. Ngành nông nghiệp đang bắt tay thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình triển khai đề án này.

Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2016. Ngành nông nghiệp đang bắt tay thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình triển khai đề án này.


Kinh tế hợp tác chưa đa dạng


Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 82 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. 21 HTX trong số đó đã ngừng hoạt động nhiều năm. Trong số 61 HTX đang hoạt động, chỉ có 35 HTX hoạt động khá tốt, 15 HTX trung bình và 11 HTX xếp diện yếu. Toàn tỉnh mới có 36 HTX đã tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các HTX cơ bản đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tổ chức điều hành sản xuất nông nghiệp. Đa số đều hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như: thủy nông, làm đất, giống, vật tư nông nghiệp, khuyến nông… Tốc độ tăng trưởng doanh thu của các HTX hàng năm đạt bình quân 12%. Một số HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và Hợp tác xã sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh
Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và Hợp tác xã sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh


Điểm sáng trong các hoạt động HTX hiệu quả phải kể đến huyện Diên Khánh, nơi có 20 HTX nông nghiệp và 90% trong số đó hoạt động khá tốt. Dẫu vậy, trong bức tranh chung, ngành nông nghiệp đã mạnh dạn nhìn nhận các mô hình kinh tế hợp tác nói chung và HTX nói riêng chưa cung ứng đầy đủ các dịch vụ thiết yếu phục vụ kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, mức độ đáp ứng của các HTX so với nhu cầu của xã viên còn khá thấp. Đơn cử, các HTX chỉ mới đáp ứng được 18,8% so với nhu cầu vật tư nông nghiệp, 27,8% dịch vụ làm đất, hoạt động bao tiêu sản phẩm mới chỉ đáp ứng được 10%. Ngoài những khó khăn về vốn, tư liệu sản xuất, trang thiết bị, hạ tầng, đội ngũ quản lý HTX chưa có trình độ chuyên môn còn chiếm tỷ lệ cao (85%). Một trong những nguyên do khiến các HTX chưa hẳn là lựa chọn hàng đầu của nông dân đó là có tới 80% thành viên HTX nông nghiệp thậm chí chưa được tập huấn về Luật HTX, các quyền lợi, nghĩa vụ cũng như bản chất của HTX kiểu mới chưa được xã viên nắm rõ, từ đó nảy sinh không ít bất cập.


Cú hích trợ giúp kinh tế hợp tác


Trước thực trạng của kinh tế hợp tác, trên cơ sở tham mưu của sở, ngành chuyên môn, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích trợ giúp kinh tế hợp tác trong nông nghiệp phát triển mạnh hơn. Theo ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: “Đề án hướng đến hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp tác bao gồm cả việc chuyển đổi các HTX kiểu cũ và trợ giúp hình thành các HTX kiểu mới. Mục tiêu là đến năm 2020, 70% HTX đạt khá; phấn đấu thành lập thêm 30 HTX, 20 tổ hợp tác trong giai đoạn này. Trong đó, ưu tiên các HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, mía đường, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và trồng rừng. Đặc biệt, đây là giai đoạn mà kinh tế hợp tác chuyển dịch theo hướng đa lĩnh vực, ngành nghề và có liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.


Đề án sẽ hỗ trợ kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với các nội dung như: tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng nhân lực, hỗ trợ vay vốn, chính sách hỗ trợ đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghệ chế biến, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về kinh tế hợp tác liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, từ đó nhân rộng… Tổng kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2020 hơn 45 tỷ đồng.


Để được hỗ trợ theo đề án này, các HTX phải xây dựng phương án hoạt động mô hình kinh tế của mình. Trên cơ sở các mô hình kinh tế mang tính khả thi cao, sát với thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ. Trong quá trình tìm hiểu những khó khăn, vấn đề, lĩnh vực cần được hỗ trợ của một số HTX, lãnh đạo HTX nông nghiệp Ninh Quang 1 cho hay: “Chúng tôi đang hoạt động theo mô hình bao tiêu sản phẩm cho 15ha lúa của khoảng 45 hộ sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Ninh Quang. Mỗi mùa vụ, chúng tôi thu mua lúa của người dân, rồi tiến hành chế biến cung cấp gạo ra thị trường. Để cung ứng gạo một cách đều đặn, HTX phải tích trữ lượng lúa đủ lớn. Điều này khiến cho nguồn vốn đầu tư vào việc thu mua lúa khá lớn, khoảng trên dưới 1 tỷ đồng mỗi mùa vụ, vượt quá khả năng của chúng tôi. Vì thế, hy vọng đề án hỗ trợ kinh tế hợp tác của tỉnh sẽ trợ giúp chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn vay”.


Theo ông Đỗ Minh Hiến, Giám đốc HTX chăn nuôi gà Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh), HTX cung cấp gà thịt ra thị trường, đã xây dựng được thị trường khá ổn định. Tuy nhiên, vì thiếu quỹ đất để xây dựng khu chăn nuôi tập trung, cũng như nguồn vốn đầu tư khu giết mổ tập trung, nên 12 xã viên của HTX đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, chất lượng thương phẩm. Trong khi đó, HTX rau an toàn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang hiện đã thuê được đất 5% của xã, tuy nhiên còn gặp khó khăn trong việc đầu tư nhà sơ chế, đóng gói, hệ thống tưới tiết kiệm..., cần được Nhà nước hỗ trợ cả về vốn lẫn chính sách đầu tư. Tương tự, HTX trái cây an toàn Khánh Vĩnh cũng chưa đầu tư được nhà sơ chế, HTX sản xuất tỏi ở thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh chưa đầu tư vào khâu bảo quản sau thu hoạch khiến chất lượng nông sản bị giảm sút.


Ông Trương Hữu Lan cho biết: “Trong tháng 2-2017, các HTX sẽ tập trung xây dựng phương án của mình. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ tổng hợp, lựa chọn các phương án thực sự cần thiết, mang tính khả thi, thực tiễn cao để đề xuất UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ”.


H.Đ