Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều nông sản có chất lượng được cơ quan chức năng cấp nhãn hiệu độc quyền. Tuy nhiên, để giữ gìn thương hiệu nông sản bền vững, nông dân Khánh Hòa đang cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều nông sản có chất lượng được cơ quan chức năng cấp nhãn hiệu độc quyền. Tuy nhiên, để giữ gìn thương hiệu nông sản bền vững, nông dân Khánh Hòa đang cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Làm thương hiệu chưa bền vững
Thị xã Ninh Hòa, nơi có con sông Dinh chảy qua, đất đai trù phú, sinh ra nhiều loại nông sản có chất lượng. Trong số những đặc sản vùng đất này có dừa xiêm Ninh Đa. Người dân phường Ninh Đa kể, dừa xiêm được cha ông trồng từ trăm năm trước; nước dừa ngọt và thanh, khách phương xa uống nhớ mãi, dừa theo chân người vào tận Sài Gòn và cả người Việt xa xứ. Vì thế, cách đây 3 năm, người dân Ninh Đa đã vận động nhau cùng xây dựng thương hiệu dừa xứ sở. Đến năm 2016, “Dừa xiêm Ninh Đa” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp nhãn hiệu. Có nhãn hiệu, dừa xiêm Ninh Đa càng nổi tiếng. Nhiều đoàn xe vào Nam, ra Bắc đều dừng lại làng Vạn Thiện để mua dừa xiêm Ninh Đa, có lúc giá tăng lên đến 14.000 đồng/quả. Mỗi năm, người Ninh Đa đưa ra thị trường gần 1 triệu trái dừa nhưng hàng vẫn cháy. Từ đó, nhiều hộ đã ươm dừa bán để nhân giống.
Làng hoa Ninh Giang, Ninh Hòa |
Nhà bà Trần Thị Biền (ở Vạn Thiện) có khoảng 100 cây dừa 50 tuổi. Bình quân mỗi năm, vườn dừa cho bà thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. “Mùa mưa giá dừa xuống thấp còn 7.000 đồng/quả. Đây là lúc tôi để dừa già ươm giống bán. Trồng dừa rất khỏe, trái đủ lớn có người vào mua tận ngọn, làm cỏ luôn cho mình, còn giống thì phải đặt trước mới có”, bà Biền nói.
Theo Ban quản lý nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa”, thời gian gần đây, người dân Ninh Đa đã chặt bỏ vườn tạp, nhân rộng giống dừa địa phương. Toàn xã hiện có hơn 5.400 cây. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, đã có 9.000 tem được in để dán cho những trái dừa từ 7 năm tuổi đạt chất lượng. Dọc Quốc lộ 1 có 5 quầy chuyên bán dừa xiêm Ninh Đa. Ông Nguyễn Công Tính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, Trưởng Ban quản lý nhãn hiệu tập thể “Dừa xiêm Ninh Đa” cho biết, cái khó hiện nay là làm sao nông dân hiểu được thế nào là “hợp tác”, “liên kết”, “sản xuất theo thị trường” hay “bảo hộ thương hiệu”. Muốn dừa Ninh Đa đi xa thì phải có dừa nhiều để cung cấp, giá ổn định, chất lượng đồng đều. Đã có doanh nghiệp tìm đến đặt hàng nhưng nông dân không đủ dừa để bán. Điều đáng lo hơn, dừa miền Tây tràn ngập làng Vạn Thiện. Dừa Ninh Đa bị tráo bởi dừa xứ khác, ảnh hưởng đến thương hiệu. Mỗi trái dừa ở cây từ 7 năm tuổi dán mỗi tem hết 400 đồng, nhưng khi bán thì có tem hay không có tem giá đều như nhau, khiến nhiều người trồng dừa chưa mặn mà dán tem. “Dán tem là giải pháp bảo vệ thương hiệu nhưng sợ có lúc tem bị làm giả, hoặc người dân vì lợi nhuận dán tem cho những trái dừa ở cây chưa đủ 7 năm tuổi trở lên”, ông Tính chia sẻ.
Chăm sóc hoa cúc ở Ninh Giang |
Tương tự Ninh Đa, nông dân Ninh Quang xây dựng thương hiệu gạo cũng khó không kém. Ninh Quang, nơi có những cánh đồng lúa rộng mênh mông. Người Ninh Quang làm lúa giỏi; mấy chục năm qua, năng suất liên tục tăng. Tuy nhiên, buồn nhất là gạo Ninh Quang ngày càng bị chê vì cơm cứng, nở, không thơm. Ông Lương Công Vân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ninh Quang 1 tâm sự, thấy người dân mua gạo miền Tây ăn mà buồn. Được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, 20 giống lúa miền Tây được đưa về Ninh Quang trồng. Qua khảo nghiệm, HTX chọn 2 giống lúa OM 4900 và OM 7347 để nhân giống. 2 giống lúa này cho hạt gạo dài, cơm xốp mềm, ngọt và thơm, để nguội không cứng. Vụ đầu tiên HTX sản xuất 2ha, đưa ra thị trường 7,5 tấn gạo lấy nhãn hiệu Ngọc Quang. Nhãn hiệu này được cấp chứng nhận độc quyền từ đầu năm 2016. Giá gạo Ngọc Quang cao hơn gạo truyền thống từ 20 đến 25%, nhưng 7,5 tấn gạo đã được bán hết ngay từ những ngày đầu. Sau đó, có nhiều đơn đặt hàng gạo Ngọc Quang nhưng HTX không còn gạo để bán. Vì thế, việc sản xuất gạo liên tục theo chuỗi từ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật, thu hoạch, liên kết chế biến, đóng gói thương hiệu, tiếp thị, đưa đến tận tay người tiêu dùng đã được HTX tính tới. Tuy nhiên, cái khó là HTX đang thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất và tạm trữ lúa gạo. “Kinh doanh mà gián đoạn thế này thì mất hết khách hàng. Bao bì chúng tôi cũng chưa đẹp, đầu ra còn hạn chế… Đó là những điểm yếu nên gạo Ngọc Quang chưa đi được xa”, ông Vân nói.
Câu chuyện nông dân Ninh Hòa xây dựng thương hiệu nông sản chưa bền vững cũng là câu chuyện làm thương hiệu nông sản của nông dân trên toàn tỉnh hiện nay.
Cần sự hỗ trợ
Theo lãnh đạo Sở KH-CN, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, việc xây dựng, bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho nông sản đã có thành công bước đầu. Nông dân đã có kiến thức về xây dựng nhãn hiệu nông sản. Cơ quan quản lý các địa phương đã quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương. Đã có nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận bảo hộ như: sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, hoa cúc Ninh Giang… Tuy nhiên, để xây dựng thành công 1 thương hiệu nông sản, việc cấp giấy chứng nhận chỉ là bước đầu. Giai đoạn khai thác, bảo vệ và phát triển thương hiệu để đưa sản phẩm ra thị trường mới là quan trọng. Giai đoạn này phải đáp ứng ít nhất 3 điều kiện: sản phẩm đạt số lượng đủ lớn, ổn định chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có giá cạnh tranh; có kênh phân phối, tiêu thụ có tổ chức, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Tuy nhiên, ngoài việc khai thác lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, sự cần cù chịu khó thì hiện nay quy mô sản xuất nông sản của nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún, rời rạc, công nghệ lạc hậu. Vì vậy, việc đáp ứng 3 điều kiện trên là khó khăn lớn của nông dân.
Khách phương xa ghé mua dừa xiêm Ninh Đa |
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân cần sự nỗ lực từ nhiều phía như: xây dựng quy hoạch vùng, quy mô sản xuất tập trung; đầu tư KH-CN cho quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; xây dựng khung pháp lý, chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường… Với cách làm này, hiện nay trong nước đã có một số mô hình xây dựng thương hiệu nông sản có chỗ đứng như: xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn, gạo thơm Chợ Đào, bưởi Năm Roi, hoa Đà Lạt…
Chương trình xây dựng phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 6-2016. “Theo chương trình này, xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân sẽ được hướng dẫn áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, vốn đầu tư đổi mới công nghệ theo chính sách riêng của từng ngành”, ông Huỳnh Kỳ Hạnh cho biết.
Khánh Hòa còn nhiều đặc sản như: táo Cam Thành Nam, tôm hùm Bình Ba, tỏi sẻ Vạn Ninh và Ninh Vân, dừa xiêm Tuần Lễ, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, hoa mai vàng Nha Trang, mía tím Khánh Sơn, vú sữa Diên Bình… Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các loại nông sản này. Hy vọng, khi được hỗ trợ, con đường xây dựng thương hiệu nông sản của nông dân sẽ thuận lợi hơn. Nông sản làm ra được nâng cao giá trị, có chỗ đứng trên thị trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
MINH THIẾT