10:02, 06/02/2017

Mô hình nuôi kết hợp: Hiệu quả cao và bền vững

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hoàn thiện quy trình xây dựng mô hình nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm với rong biển.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hoàn thiện quy trình xây dựng mô hình nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm với rong biển. Mô hình đã triển khai thành công tại vùng biển huyện Vạn Ninh, mở ra hướng đi mới về nuôi trồng thủy sản (NTTS), vừa tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.


Nuôi ghép bền vững


Những năm gần đây, nghề NTTS phát triển khá “nóng” vì giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nghề này đang phát triển thiếu bền vững do không tuân thủ quy hoạch, sử dụng nhiều thuốc và hóa chất làm phá vỡ cân bằng môi trường, gây ô nhiễm vùng biển ven bờ, nhiều vùng nuôi trồng đã bị suy thoái.

 

Ốc hương nuôi kết hợp với hải sâm và rong nho cho hiệu quả bền vững
Ốc hương nuôi kết hợp với hải sâm và rong nho cho hiệu quả bền vững


Trước thực trạng đó, mô hình NTTS kết hợp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong đó, có mô hình nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm với rong biển. Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ốc hương là thực phẩm cao cấp, có giá trị dinh dưỡng, thương mại cao, hiện nay giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg. Đây là nghề nuôi mới, có giá trị kinh tế cao ở Khánh Hòa cũng như nhiều tỉnh ven biển miền Trung nhưng đã phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, tác động xấu đến môi trường, dẫn đến dịch bệnh, làm giảm nhanh chóng diện tích và sản lượng. Đối với hải sâm, đây là loài chuyên ăn xác chết động vật, phù du và chất hữu cơ, có tác dụng vệ sinh môi trường nuôi. Hải sâm cát đã nhân giống thành công và được nuôi phổ biến tại Khánh Hòa. Trong khi đó, rong biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các loài rong như: rong câu, rong sụn, rong nho chứa nhiều nguyên tố vi lượng rất cần cho các sinh vật nuôi. Trên cơ sở đó, trung tâm đã chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS III xây dựng quy trình công nghệ, thực hiện dự án nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm với rong biển tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. “Mục đích của dự án là tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích nuôi trồng và phát triển bền vững, đảm bảo môi trường”, ông Tiêu cho biết.


 Ở Khánh Hòa, từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2016, dự án đã xây dựng mô hình tại 4 hộ, quy mô 4ha thuộc 2 xã Vạn Thắng, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh). Ông Nguyễn Văn Dương - hộ thực hiện mô hình ở xã Vạn Hưng cho biết, qua 8 tháng nuôi kết hợp 3 loài cho thấy, thời gian nuôi ốc hương đã được rút ngắn hơn 1 tháng, tỷ lệ sống cao hơn so với các phương pháp trước đây. Theo đó, 1ha đìa cho thu hoạch gần 3,2 tấn ốc, 2,2 tấn hải sâm, 3,7 tấn rong nho. “Khi nuôi kết hợp thì rong nho lọc mặt nước tầng trên, tạo độ mát cho nước, còn hải sâm ăn cặn bã sạch ở tầng đáy, giúp giảm bệnh tật cho ốc, giảm chi phí thức ăn. Tuy sản lượng ốc không tăng nhưng dễ nuôi nên bền vững hơn”, ông Dương nói.


Cần nhân rộng


Theo tính toán của dự án, với mô hình nuôi kết hợp, lợi nhuận đạt trung bình khoảng 450 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, mô hình nuôi đơn cùng diện tích, lợi nhuận chỉ đạt trung bình khoảng 260 triệu đồng/ha. Ngay sau khi triển khai mô hình thành công, trung tâm đã tập huấn, tham quan thực tế cho 56 hộ nông dân Khánh Hòa về kỹ thuật nuôi kết hợp, từ lúc cải tạo ao đến lúc thu hoạch. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình cho các ngư dân ven biển.


Tiến sĩ Thái Ngọc Chiến - Viện Nghiên cứu NTTS III cho biết, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao (trong đó có ốc hương) chủ yếu ăn động vật, hệ số thức ăn khá cao nên hàng năm thải ra môi trường nước lượng chất thải lớn. Để hạn chế tác động môi trường, các nhà khoa học khuyến nghị nông dân cần phải nuôi kết hợp với động vật thân mềm 2 mảnh với khả năng lọc nước, giảm nguy cơ tảo nở hoa, còn rong biển lại hấp thu các muối dinh dưỡng hòa tan. Nuôi kết hợp là mô hình thân thiện với môi trường, giải pháp tốt nhất để giải quyết 4 tồn tại của ngành nuôi trồng: phú dưỡng môi trường nước, mất cân bằng sinh thái, không bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm.


Dự án tại Khánh Hòa đã góp phần tạo phương thức nuôi hải sản mới, giúp cho người dân chuyển từ hình thức nuôi đơn thiếu bền vững sang nuôi kết hợp cải thiện môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và bền vững. Tuy vậy, do đây là mô hình mới nên người dân còn ngại chuyển đổi. “Nuôi kết hợp các loài hải sản là hướng đi trong tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị bền vững, ít dịch bệnh, rủi ro. Với người dân lâu nay, chỉ quen nuôi một thứ, vì vậy cần tiếp tục nhân rộng mô hình để phổ biến vào sản xuất. Người dân cần phải được mắt thấy, tai nghe, xem tận nơi thì họ mới chuyển đổi được”, ông Tiêu nói.


L.K