10:02, 27/02/2017

Lão nông và những cỗ máy

Hài hước, hóm hỉnh, lạc quan là phong cách của ông Trần Đức Mạnh (53 tuổi, Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - tác giả sáng chế các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hài hước, hóm hỉnh, lạc quan là phong cách của ông Trần Đức Mạnh (53 tuổi, Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - tác giả sáng chế các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 
3 năm trở lại đây, ông Trần Đức Mạnh đã cho ra đời 6 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có những chiếc máy mà mức độ sáng tạo không thua gì những người được đào tạo bài bản từ trường lớp. Năm 2014, ông Mạnh cho ra đời chiếc máy đầu tiên, đó là máy xúc rơm đa năng thay cho việc thu gom rơm của nông dân. Ông tâm sự: “Sau mỗi vụ gặt, nông dân thường đốt bỏ hay gom rơm về làm nấm hoặc cho trâu bò ăn. Việc làm này hoàn toàn thủ công, để gom đầy một xe rơm nông dân phải mất nhiều giờ. Thấy nông dân quá cực nhọc, tôi liền nghĩ tới chiếc máy có thể làm được một công đôi việc: vừa xúc vừa chất rơm. Mô hình nảy sinh từ ý tưởng những chiếc máy xúc lật hoạt động trên các công trường”. Và chỉ trong 2 tháng, ông đã hoàn thành chiếc máy, cải tạo từ chiếc máy cày nhưng với các chức năng mới có thể gom, chất rơm nhẹ nhàng. Một ngày, máy có thể hoàn thành 10 xe rơm, tương đương 6 - 10 tấn rơm khô.

 

Ông Trần Đức Mạnh
Ông Trần Đức Mạnh


Ít lâu sau, một người cháu làm nghề phế liệu ở xã Diên Đồng (Diên Khánh) đặt ông làm một chiếc máy để giải quyết tình trạng phế liệu dồn ứ, vận chuyển cồng kềnh, tốn kém khi đưa hàng vào TP. Hồ Chí Minh. Rất nhanh, ông liền nghĩ và bắt tay vào chế tạo chiếc máy ép thủy lực mà thị trường chưa có. Máy tạo ra cường lực lớn khiến phế liệu bị ép chặt thành khối, không cần buộc dây. Hiệu quả máy ép rất cao, 4 xe phế liệu rút gọn chỉ còn 1 xe nên giảm được chi phí vận chuyển gấp 4 lần (8 triệu đồng/xe).

 

Bà Tô Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học cơ sở (Sở Khoa học và Công nghệ): Tuy là nông dân chỉ học qua THPT nhưng ông Mạnh đã sáng chế nhiều loại máy móc có giá trị thực tiễn cao. Gần đây, ông Mạnh đã chế tạo thành công máy cuốn rơm, thông tin đã được công bố tại Hội thảo giao lưu kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam lần thứ 3 tại Nha Trang. Đề tài này được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện đề tài cấp tỉnh vào năm 2017 “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo máy cuốn rơm phù hợp với điều kiện Khánh Hòa”.

Năm 2015, ông có nhu cầu san ủi đất nhưng thấy tốn nhiều chi phí nên muốn tự làm. Sẵn có chiếc máy cày cũ, ông nghĩ đến việc cải tạo để biến chiếc máy này thành máy xúc lật đa năng. Ông thiết kế thêm máng sau của máy cày để có thể vừa xúc, vừa san. Mỗi lần hoạt động, máy chở được 0,4m3 đất. Một nông dân làm đìa nuôi ốc hương ở huyện Vạn Ninh thấy hiệu quả của máy đã đặt mua với giá 22 triệu đồng (không tính động cơ máy cày).


Khâm phục hơn là gần đây, ông đã sáng chế thành công chiếc máy cuộn rơm đa năng. Máy có thể hoạt động trên ruộng sình mà không hề bị lún. Rơm cuộn rất sạch, không hề dính bùn bởi máy thiết kế phần cuộn rơm phía trước, có thể đạt khối lượng 18kg (một số máy khác chỉ 16kg) dù đường kính như nhau. Toàn vụ, máy làm được 7.000 cục, tương đương 120 tấn rơm khô, trị giá 140 triệu đồng.


Là một người giàu sáng tạo nhưng ít ai biết ông Mạnh đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo thời kỳ cuối. Ông đã trải qua 1 cuộc phẫu thuật, 12 lần hóa trị nhưng vẫn giữ được sức khỏe, da dẻ hồng hào như người bình thường. Đối với ông Mạnh, bí quyết sống chính là sự lạc quan. Ông tiết lộ đang ấp ủ một đề tài mới: máy cuốn rơm thế hệ 2 với nhiều tính năng ưu việt hơn chiếc máy đầu tiên.


VĨNH LẠC