Sau đợt mưa lũ cuối năm 2016, hàng chục héc-ta đất nông nghiệp trong tỉnh Khánh Hòa đã bị bồi lấp, sạt lở, nay trở thành hoang hóa, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Sau đợt mưa lũ cuối năm 2016, hàng chục héc-ta đất nông nghiệp trong tỉnh Khánh Hòa đã bị bồi lấp, sạt lở, nay trở thành hoang hóa, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đất bỏ hoang, khó cải tạo
Gần 2 tháng nay, ông Nguyễn Thanh Bửu ở thôn Tây, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh vẫn đang loay hoay, chưa biết làm cách gì để khôi phục gần 5.000m2 đất trồng dừa xiêm bị cát, sỏi bồi lấp sau mấy đợt mưa lũ vừa qua. Trước mắt chúng tôi, vườn dừa xiêm 200 gốc đã được 4 năm tuổi, sắp đến kỳ thu hoạch nay đã bị ngã đổ, tróc gốc. Theo ông Bửu, vườn dừa này chắc bỏ hoang, bởi rất khó có thể cải tạo.
Người dân trồng tre bảo vệ bờ |
Tại thôn Tây, xã Sông Cầu, những trận lũ liên tiếp đã cuốn trôi của ông Phan Thái Huy hơn 1.000m2 đất vườn, với 30 gốc bưởi da xanh và 20 gốc mít nghệ đang cho thu hoạch, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Chỉ cho chúng tôi vị trí mảnh vườn bị nước lũ cuốn trôi có chiều dài hàng chục mét, đang tạo thành một hố sâu hoắm, ông Huy nói: “Hố này nếu có kinh phí khắc phục cũng tốn kém hàng trăm triệu đồng. Đổ đất cho đầy không khó, nhưng quan trọng là tiền đâu để kè, giữ đất không cho sạt lở nữa…”.
Nước lũ hung dữ cũng đã cuốn phăng hơn 3.000m2 đất trồng nhiều loại hoa màu mà ông Nguyễn Văn Ngô, thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh đã dày công gây dựng. Chỉ tay vào bãi cát trắng xóa, ông Ngô xuýt xoa: “Bãi cát này trước đây là đất trồng hoa màu, hết mía rồi cỏ voi, mỗi năm cũng kiếm vài chục triệu đồng tiền lãi. Hiện nay, một phần đã thành bãi cát, mà cát thì không có cây gì lên nổi và cải tạo cũng khó…”.
Cánh đồng Mã Ông Pha (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) rộng 6ha cũng bị cát bồi bao phủ toàn bộ. Nằm ngay đường chia nước của sông Trường trước khi đổ ra biển, cánh đồng chịu tác động rất lớn của dòng nước. Nước lũ dâng cao, phá vỡ bờ, kéo cát đất từ dòng sông, phủ kín toàn bộ cánh đồng, khiến cho các tuyến mương nội đồng cũng ngập đầy đất, đá. Ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết: “Vụ đông xuân này, cánh đồng Mã Ông Pha và một số cánh đồng khác trên địa bàn xã bị cát lấp không thể đưa vào sản xuất, nên đành bỏ vụ”.
Cần có hướng chỉ đạo, xử lý
Đất hoang hóa ảnh hưởng đến tài nguyên, đời sống của người dân, nhưng việc chỉ đạo giải quyết vấn đề này dường như chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu cho hay, Khánh Vĩnh là địa bàn miền núi, nhiều sông, suối nên mùa mưa lũ chịu nhiều thiệt hại, nhất là hiện tượng lũ chồng lũ. Trên địa bàn có sông Cái và sông Cầu, mùa lũ nước tràn ra hai bờ, cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác. Theo thống kê, có khoảng hơn 1ha đất nông nghiệp bị lũ gây xói lở, bồi lấp, khó khắc phục. Theo quy định, xã chỉ thống kê, báo cáo thiệt hại ban đầu để xin hỗ trợ, còn việc khắc phục hậu quả lâu dài đến nay vẫn chưa có giải pháp…
Đất trồng hoa màu bị biến thành bãi đất hoang |
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết, đất hoang hóa do lũ trên địa bàn không nhiều, khoảng 7.000 - 8.000m2 tại những khu vực ven sông, suối bị cát, đá vùi lấp. Hiện tại, xã vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, ngoài việc vận động người dân bằng nội lực cải tạo, khôi phục sản xuất. Đối với những khu vực sạt lở nghiêm trọng tại suối Mây, suối Khao hay sông Chò, uy hiếp khu dân cư, xã kiến nghị huyện, tỉnh triển khai làm kè chống sạt lở. Vừa qua, tỉnh đã thống nhất làm kè sông Chò, khu vực thôn Suối Sâu với 19 hộ, chiều dài 200m, kinh phí 3 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh nói: “Đến thời điểm này, tôi chỉ nhận được báo cáo của xã Khánh Bình và đã trực tiếp kiểm tra, còn các xã khác chưa thấy báo cáo. Hiện tại, sạt lở đất gây hoang hóa các khu sản xuất chưa có thống kê cụ thể. Hiện nay, Nhà nước chỉ đầu tư hay hỗ trợ những khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân cư, còn đối với khu vực sản xuất chưa thể can thiệp…”.
Theo ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện tượng bồi lấp, xói lở đất gây hoang hóa có nguyên nhân sâu xa từ việc khai thác khoáng sản trái phép, mất rừng đầu nguồn, đô thị hóa làm cho dòng chảy ngày càng hung hãn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay các giải pháp cho vấn đề này cũng là tình thế. Giải pháp xây dựng đê, kè tốn kém nhiều kinh phí, chỉ áp dụng cho các công trình bức thiết, quan trọng. Thực tế, việc thống kê đất hoang hóa do bồi lấp của các địa phương chưa đầy đủ, công tác hỗ trợ, xử lý đất hoang hóa cũng chưa được quan tâm. Để bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, nhất là các khu vực ven sông suối, các địa phương cần vận động người dân trồng các loại cây: tre, sung, si... để chống xói mòn, bảo vệ đất sản xuất.
V.L