05:02, 10/02/2017

Chú trọng kinh tế hợp tác

Giai đoạn 2017 - 2020, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tập trung vào việc thay đổi, nâng chất các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác.

Giai đoạn 2017 - 2020, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tập trung vào việc thay đổi, nâng chất các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác.


Nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã


Theo đánh giá của các sở, ngành, một trong những nguyên nhân khiến cho ngành nông nghiệp chưa thể cất cánh, mang lại hiệu quả như mong đợi chính là hoạt động sản xuất nông nghiệp còn mang tính manh mún, ở trình độ thấp. Vì vậy, trong nhiều năm qua, hoạt động dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn đã được tỉnh chú trọng đầu tư. Cùng với đó, các hình thái kinh tế tập thể cũng được hình thành và ngày càng đòi hỏi sâu hơn về chất lượng hoạt động. Đơn cử như các hợp tác xã (HTX), nếu trong giai đoạn 2011 - 2016, một xã chỉ cần có HTX hoạt động có hiệu quả là đã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất. Nhưng giai đoạn 2017 - 2020, các HTX này còn phải đáp ứng được yêu cầu hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo tính bền vững.

 

Nhiều hộ trồng bưởi ở huyện Khánh Vĩnh đã sản xuất theo chuẩn VietGAP và hình thành hợp tác xã
Nhiều hộ trồng bưởi ở huyện Khánh Vĩnh đã sản xuất theo chuẩn VietGAP và hình thành hợp tác xã


Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong số 28 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2016, có tới 10 xã chưa có HTX mà chỉ mới hình thành được một hình thái thấp hơn, đó là tổ hợp tác. Trong số 18 HTX còn lại, số lượng các HTX hoạt động có hiệu quả, theo đúng tinh thần được quy định trong Luật HTX năm 2012 không nhiều. Đó là chưa kể, mối quan hệ, liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản dù đã xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhưng mức độ liên kết còn khá lỏng lẻo. Trước thực trạng đó, giai đoạn 2017 - 2020, cùng với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, việc hình thành, duy trì và phát triển các HTX được xác định là nhiệm vụ then chốt. Mục tiêu đến cuối năm 2020, 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra phải có HTX hoạt động hiệu quả, theo Luật HTX, hay gọi nôm na là HTX kiểu mới.


Cú hích từ chính sách


Theo ông Huỳnh Quang Thành - Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, Nghị quyết 26/2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh được thông qua cuối năm 2016 được xem là một công cụ “mềm” để đẩy mạnh hơn nữa hình thức dồn điền đổi thửa, liên kết trong sản xuất của người nông dân. Bởi điều kiện để được thụ hưởng chính sách này đó là quy mô sản xuất phải đủ lớn. Trong khi đó, để tiến tới sản xuất lớn, trên cánh đồng lớn, nông dân cần phải liên kết lại với nhau, dưới hình thái kinh tế tập thể. Ngoài ra, các yêu cầu về chất lượng nông sản cũng là một trong những điều kiện để được hỗ trợ. Nhưng trước và trên hết đó phải là những mô hình kinh tế quy mô, hiệu quả, nông sản phải mang tính chất hàng hóa.


Hiện nay, bên cạnh các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đề án kinh tế hợp tác này nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới toàn diện và phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác đại diện của nông dân, phù hợp với từng lĩnh vực, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đề án đặt ra lộ trình đến năm 2020, 70% HTX nông nghiệp xếp loại khá, tốt hoạt động theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành nghề và có liên kết với doanh nghiệp gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 30 HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động theo Luật HTX trong các lĩnh vực: sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, mía đường, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và trồng rừng.


Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ…, công tác hỗ trợ vay vốn và lãi suất vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX cũng được tính đến. Theo đó, các HTX kiểu mới được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu và 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ 3 để mua sắm máy móc và thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác không có tài sản bảo đảm cũng được tạo điều kiện vay vốn tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX và 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác. Ngoài ra, các HTX còn được hỗ trợ về đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại; chế biến sản phẩm; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh…


Như vậy có thể thấy, Chương trình Xây dựng nông thôn mới Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tập trung nguồn lực đáng kể vào việc hình thành và phát triển các hình thái kinh tế tập thể. Ở đó, các HTX kiểu mới được chú trọng phát triển với kỳ vọng sẽ thay đổi cả về hình thức sản xuất lẫn quan niệm sản xuất nông nghiệp.


H.Đ