Vụ cà phê năm nay, nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) rất phấn khởi khi giá cà phê cao, năng suất vẫn đảm bảo dù nắng hạn. Tuy nhiên, vụ mùa 2017, dự báo người trồng cà phê sẽ gặp khó vì diễn biến thời tiết đang bất lợi đối với loài cây này.
Vụ cà phê năm nay, nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) rất phấn khởi khi giá cà phê cao, năng suất vẫn đảm bảo dù nắng hạn. Tuy nhiên, vụ mùa 2017, dự báo người trồng cà phê sẽ gặp khó vì diễn biến thời tiết đang bất lợi đối với loài cây này.
Giá cà phê tăng
Ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp, một trong những hộ trồng cà phê tại địa phương cho biết: “Năm 2016, dù Khánh Sơn chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết nắng hạn, nhưng nhờ nông dân chủ động được nguồn nước tưới, chăm sóc cà phê từ đầu mùa nên năng suất vẫn đảm bảo, trung bình 1ha cà phê cho thu hoạch 2 - 2,5 tấn nhân, tương đương những năm trước”. Trên địa bàn xã Sơn Hiệp hiện có 119,75ha cà phê, trong đó có hơn 50% diện tích đang cho thu hoạch. Năm nay, niềm vui của nông dân được nhân đôi khi cà phê được giá, được mùa.
Người dân Khánh Sơn tranh thủ phơi cà phê |
Còn ông Lê Anh Quang - cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình cho biết, thời điểm này năm trước, giá cà phê được thương lái thu mua khoảng 35.000 đồng/kg, nay có giá 43.500 đồng/kg. Tính ra, 1ha cà phê cho nông dân lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, để duy trì được năng suất cà phê như những năm trước, nông dân phải đổ nhiều công sức, nhất là trong thời gian nắng hạn, nguồn nước cạn kiệt, nhà nông phải hết sức tất bật lo chống hạn. Đó là chưa kể cuối năm mưa nhiều, một số diện tích cà phê bị thiệt hại; đến thời điểm thu hoạch lại thiếu nắng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.
Nỗi lo vụ cà phê 2017
Đưa chúng tôi đi thăm các vườn cà phê trên địa bàn xã, ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp lo lắng: “Vụ cà phê 2017, không riêng gì Sơn Hiệp, tại nhiều xã khác đang xảy ra tình trạng cà phê rụng hoa, thối quả do thời tiết mưa nhiều đợt Tết vừa qua; hầu hết vườn cà phê nào cũng bị thiệt hại. Đặc biệt, trong khoảng tháng 4, tháng 5 tới, trên địa bàn thường xuất hiện sương muối sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng đậu quả của cà phê. Chắc chắn năng suất cà phê năm 2017 sẽ không được như năm 2016”.
Theo số liệu điều tra hiện trạng các loại cây trồng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, riêng đối với cây cà phê, địa phương hiện có 897,9ha, phần lớn diện tích đã cho thu hoạch. Trong đó, xã Thành Sơn có 80,58ha, Sơn Lâm 186,94ha, Sơn Bình 263,07ha, Sơn Hiệp 119,75ha, thị trấn Tô Hạp 133,76ha, Sơn Trung có 71,88ha, Ba Cụm Bắc có 22,7ha, Ba Cụm Nam 19,3ha. |
Tìm hiểu thêm về cây cà phê trên địa bàn huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, hiện nay, những hộ có điều kiện đang phá bỏ dần những diện tích cà phê cho năng suất thấp, hiệu quả kém sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, nhiều nhất là sầu riêng. Ông Văn Tấn Đạt (xã Sơn Bình) cho hay: “Cà phê trồng ở Khánh Sơn chủ yếu là cà phê vối; qua 20 năm, giống cà phê này đã bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Nếu so sánh hiệu quả cây cà phê với các loại cây khác như: sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh thì cà phê thua xa nên gia đình tôi và nhiều nông dân khác đã quyết định chuyển đổi”. Trong khi đó, những hộ có điều kiện khó khăn hơn thì vẫn tiếp tục gắn bó với cây cà phê, bởi loại cây này dễ chăm sóc, đầu tư cũng ít hơn so với các loại cây ăn quả. Hiện tại, diện tích trồng cà phê giống mới cho năng suất cao hơn ở một số địa phương như: Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Sơn Trung… cũng đang diễn ra.
Theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có cây cà phê. Đối với cây trồng này, định hướng của huyện là chú trọng chuyển đổi giống mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. “UBND huyện khuyến khích người dân cải tạo, chuyển đổi giống cà phê đã thoái hóa sang những giống mới năng suất cao hơn. Ở một số khu vực không phù hợp để phát triển cà phê thì khuyến khích người dân chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Sửu chia sẻ.
HẢI LĂNG