Những ngày cuối tháng 11, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam nhận được hàng chục thông báo cứu nạn từ các tàu cá của ngư dân trên các vùng biển. Nguyên nhân là tàu cá hỏng máy vì sử dụng máy cũ, không đảm bảo chất lượng nên gặp trục trặc khi biển động…
Những ngày cuối tháng 11, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam nhận được hàng chục thông báo cứu nạn từ các tàu cá của ngư dân trên các vùng biển. Nguyên nhân là tàu cá hỏng máy vì sử dụng máy cũ, không đảm bảo chất lượng nên gặp trục trặc khi biển động…
90% tàu dùng máy cũ
Tại Cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang, chúng tôi chứng kiến hàng chục tàu cá được đưa lên bờ bảo trì máy móc. Bên cạnh đó, xe cẩu liên tục đưa các máy thủy vào xưởng sửa chữa. Tại một xưởng ở đường Nguyễn Văn Linh (Hòn Rớ, xã Phước Đồng), đã quá trưa mà nhiều thợ máy vẫn làm việc. “Mùa này biển động nên tàu vào xưởng sửa chữa, bảo trì nhiều lắm. Chúng tôi làm từ sáng đến tối vẫn chưa hết việc”, anh Hùng, thợ máy ở đây nói.
Hàng loạt tàu cá được bảo trì vì sử dụng máy cũ |
Ông Nguyễn Văn Quang - chủ xưởng sửa chữa máy thủy Quang Anh (đường Nguyễn Văn Linh) cho biết, hiện nay, lượng tàu đóng mới 100% hạ thủy rất ít, nên trường hợp tàu cá gặp biển động đã hỏng máy thì có thể khẳng định tàu đó sử dụng máy cũ. Theo ông Quang, gặp điều kiện biển động, các tàu sẽ tăng ga để vượt sóng. Khi đó, tàu sử dụng máy cũ thường bị ngộp hệ thống nạp khí, hệ thống tiếp nhiên liệu, lọc dầu. Bên cạnh đó, lực của sóng nước tác động vào chân vịt gây gãy nhông, trục hộp số; nhiều chủ tàu chủ quan không thay linh kiện nên bị hỏng hệ thống làm mát…, tất cả khiến tàu chết máy, thả trôi.
Ông Võ Khắc Én - Chi cục Phó Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Khánh Hòa có khoảng 1.300 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có khoảng 90% là sử dụng máy cũ. Lý do là tiền mua máy cũ chỉ bằng 1/2 đến 2/3 máy mới nên ngư dân chọn máy cũ để tiết giảm kinh phí ban đầu”.
Cần quản chặt đầu vào
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc phụ trách Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 tại Nha Trang cho biết, tính đến tháng 11-2016, trung tâm đã cứu nạn và hỗ trợ được 62 vụ/482 người. Trong đó, các vụ hỏng máy, chìm tàu, sự cố trên biển của ngư dân là 52 vụ, chiếm đến 89%. |
Kỹ sư Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, máy tàu cũ hiện nay được các công ty, cơ sở trong nước nhập về tràn lan; trong khi năng lực thẩm định, máy móc kiểm tra của ngành chức năng có hạn. Nhiều tàu lắp máy cũ khi thử nghiệm ở điều kiện bình thường thì chạy tốt nhưng khi gặp thời tiết xấu thì hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, trên thị trường hiện nay có rất nhiều dòng máy nhưng được sử dụng nhiều nhất là máy tàu Cummins. Riêng dòng máy này đã có xuất xứ từ 10 nước khác nhau như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đức… “Để kiểm tra chất lượng máy cũ, chúng tôi phải tuyển thợ giỏi, có kinh nghiệm, có máy móc thiết bị đo đạc. Nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường quản lý đầu vào, siết chặt các quy định về nhập khẩu máy tàu, linh kiện để nâng cao chất lượng máy tàu”, ông Quang đề xuất.
Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 45 tàu và chờ phê duyệt 8 tàu đóng mới theo Nghị định 67 và 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, 14 tàu cá của Khánh Hòa đã và đang được đóng mới đều sử dụng máy mới 100%. Chi cục khuyến nghị các tàu còn lại nên vay vốn để đầu tư máy mới.
KỲ NAM