"Trong ngắn hạn, việc áp trần lãi suất 20% có thể sẽ đem lại hiệu quả nhưng về lâu dài, những biện pháp kiểu hành chính như thế này khó có thể đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí còn làm giảm tốc độ phát triển của thị trường" TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.
“Trong ngắn hạn, việc áp trần lãi suất 20% có thể sẽ đem lại hiệu quả nhưng về lâu dài, những biện pháp kiểu hành chính như thế này khó có thể đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí còn làm giảm tốc độ phát triển của thị trường” TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.
|
TS Cao Sĩ Khiêm |
Trước thời điểm quy định trần lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20% trong Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/01/2017), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm giúp độc giả hiểu sâu hơn về nội dung này.
PV: Bộ luật Dân sự sửa đổi sắp có hiệu lực sẽ áp trần lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20% , ông nghĩ sao về điều khoản này và theo ông thì nó ảnh hưởng ra sao đối với các tổ chức tài chính?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Theo cơ chế thị trường, điều khoản này đưa ra để đảm bảo khả năng kinh doanh cho các ngân hàng, công ty tài chính (CTTC) tốt hơn. Xét trên khía cạnh quản lý Nhà nước thì nội dung Bộ luật này sẽ thuận lợi khi áp dụng và không tác động nhiều đến các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động cho vay tiêu dùng tại các CTTC thường có mức lãi suất cao hơn con số 20%, bởi họ phải chịu nhiều rủi ro trong mỗi khoản vay. Vì thế, với những trường hợp như vậy, cơ quan chức năng cần có những quy định chính sách cụ thể để đảm bảo cho thị trường này phát triển hài hòa.
PV: Có ý kiến cho rằng, áp trần lãi suất 20% nghĩa là Nhà nước đã can thiệp biện pháp hành chính quá sâu vào thị trường tín dụng, việc làm này vô hình chung đang cản bước phát triển của thị trường, vậy còn đối với ông thì sao?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Trước hết phải khẳng định, Bộ luật này được ban hành dựa trên các yếu tố như: đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng. Lợi ích là vậy song chúng ta phải xét đến tình huống là có rất nhiều tổ chức tài chính nhỏ thuộc diện phải tái cơ cấu, sáp nhập hoặc nợ xấu lớn vẫn đang sử dụng chiêu "lách" trần huy động. Các đơn vị vẫn mời chào khách hàng gửi lượng tiền lớn với lãi suất rất cao. Như vậy, việc áp trần cho vay chỉ là sự che mắt nhất thời, không bao giờ tạo ra được sự minh bạch và công bằng trên thị trường. Hơn nữa, trong hoạt động tín dụng, lãi suất cho vay phải tính toán dựa trên mặt bằng lãi suất huy động. Các khoản vay có mức độ rủi ro cao thì thường phải gánh mức lãi suất cho vay cao, và ngược lại.
PV: Được biết, nhiều nước trên thế giới đã từng áp dụng biện pháp áp trần nhưng sau đó đã gỡ bỏ. Vậy theo ông phải chăng chúng ta đang đi theo lối mòn của những nước trên?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Mục tiêu đưa lãi suất cho vay về mức 20% có vẻ mang lại tín hiệu vui và trong ngắn hạn cũng đã phát huy tác dụng nhất định. Tuy nhiên, đối với các tổ chức tài chính nhất là CTTC thì việc áp trần đó không hề “tươi sáng”, bởi do độ rủi ro của khoản vay là rất cao. Vì thế, về lâu dài thì những biện pháp có sự can thiệp hành chính như thế này sẽ không đem lại nhiều kết quả, thậm chí kìm hãm sự phát triển của thị trường vay tiêu dùng. Bởi vì, khi bắt buộc thực thi mức trần lãi suất này, CTTC buộc phải siết chặt khâu thẩm định hồ sơ, đặt ra nhiều điều kiện hơn và những thủ tục này thì không phải khách hàng nào cũng đáp ứng được, nhất là đối với những khách hàng dưới chuẩn vay vốn ngân hàng.
Thế nên đến một chừng mực nào đó, khi nền kinh tế đã ổn định và khả năng chấp hành luật pháp cũng như thị trường vốn đi vào bình thường. Cung cầu vốn cân bằng như các nước phát triển thì cái trần lãi suất không ý nghĩa nữa, chúng ta nên để cho khái niệm “tự do hóa lãi suất” tồn tại trên thị trường.
PV: Tự do hóa lãi suất là xu hướng mà Đảng và Nhà nước đã hướng tới từ trước, vậy theo ông việc áp trần lãi suất lần này có gây ảnh hướng gì không?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính và bảo vệ quyền lợi cho người dân, cái quan trọng nhất là để nền kinh tế phát triển một cách ổn định và bình thường. Các hoạt động tài chính đáp ứng được nguyên tắc của nền kinh tế thế giới. Và khi rủi ro thấp đi, khả năng thị trường vốn hoạt động mạnh mẽ. Việc bỏ trần lãi suất và tự do hóa là điều chắc chắn sẽ diễn ra để phù hợp với sự phát triển tự nhiên của thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!