11:11, 09/11/2016

Xã Cam An Bắc: Triển vọng từ các mô hình kinh tế

Bằng hướng đi phù hợp, trên địa bàn xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã hình thành các mô hình kinh tế cho hiệu quả khả quan, hứa hẹn nhiều triển vọng…

Bằng hướng đi phù hợp, trên địa bàn xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã hình thành các mô hình kinh tế cho hiệu quả khả quan, hứa hẹn nhiều triển vọng…

Những năm qua, nông dân xã Cam An Bắc chủ yếu gắn bó với cây mía, mì…, nhưng do thời tiết hạn hán kéo dài nên cây trồng không hiệu quả. Trước thực trạng trên, tháng 4-2016, lãnh đạo xã đến Viện Nghiên cứu cây giống Miền Nam để được tư vấn kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng, mua giống; đồng thời vận động các hộ có diện tích mía, mì lớn kém hiệu quả trồng thử nghiệm cây gấc. Đến nay, ngoài 4 hộ trồng tập trung với 2ha, có khoảng 20 hộ trồng rải rác.

 

Lãnh đạo xã Cam An Bắc thăm vườn gấc của ông Thành
Lãnh đạo xã Cam An Bắc thăm vườn gấc của ông Thành


Ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Gấc có tuổi đời dài (khoảng 10 năm), ra trái quanh năm, dễ trồng, ít bị bệnh, chỉ 4 tháng là cho thu hoạch và đầu ra cũng ổn định. Vụ thu hoạch đầu tiên, với giá 10.000 đồng/kg, cây gấc cho thu nhập 3 - 4 triệu đồng/hộ/tháng. Hiện tại, gấc ra trái sum suê, ước tính lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với trồng mía, mì. Nhận thấy hiệu quả bước đầu, thời gian tới, địa phương dự định phát triển lên 8ha gấc”. Hiện tại, xã đã thành lập được tổ liên kết trồng gấc gồm 4 thành viên. Đây có thể là hướng đi mới mở ra cơ hội phát triển sản xuất cho người dân vùng đất này. Ông Nguyễn Thành (thôn Triệu Hải) phấn khởi nói: “Trước đây, nhà tôi chủ yếu trồng mía, mì, nhưng thời tiết nắng hạn kéo dài khiến cây trồng bị chết hoặc phát triển chậm, có lúc rơi vào cảnh thua lỗ. Vì vậy, khi nghe lãnh đạo xã vận động chuyển đổi sang trồng gấc, tôi hưởng ứng ngay. Hiện nay, tôi trồng 0,5ha gấc, trừ chi phí, bước đầu lãi khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng gấc”...


Về thôn Cửa Tùng, chúng tôi nghe mọi người nhắc nhiều đến trang trại thanh long ruột đỏ của ông Hoàng Đức Hào. Ông Hào chia sẻ, trước đây, ông trồng 2ha mì nhưng thu nhập thấp. Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở Bình Thuận, thấy hiệu quả của cây thanh long, ông đưa loại cây này về trồng. Sau hơn 2 năm, ông trồng được 1,8ha thanh long với 2.530 gốc. Đến nay, vườn thanh long phát triển tốt, thu hoạch được 7 lần (mỗi lần 4 tấn), bỏ mối cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Với giá bán từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông lãi khoảng 4.000 - 7.000 đồng/kg. Dịp Tết, lợi nhuận cao hơn nhiều.


Theo ông Hồ Văn Trung, trên địa bàn xã đã hình thành những trang trại chăn nuôi lớn. Điển hình có 6 trang trại nuôi gà (khoảng 12.000 con/trại), trừ chi phí lãi khoảng 600 triệu đồng/trại/năm. Cạnh đó, có 5 trại chăn nuôi heo gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, với quy mô 600 con/trại, lãi khoảng 600 - 800 triệu đồng/trại/năm. Ngoài ra, có vài trăm hộ chăn nuôi gà thả vườn, nuôi heo nhỏ lẻ, thu nhập bình quân khoảng 6 - 8 triệu đồng/hộ/tháng…


Thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn của ngân hàng và các kênh khác; hỗ trợ kinh phí tập huấn khuyến nông. Tính đến cuối tháng 9-2016, tổng dư nợ tín dụng toàn xã hơn 28 tỷ đồng. Các hội, đoàn thể ở địa phương cũng quan tâm tổ chức nhiều chương trình tập huấn, kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng các vùng có điều kiện khe suối chuyển sang trồng một số cây có giá trị cao như: xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, mít nghệ cao sản, chuối, thanh long, các loại rau đậu…, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống.


Địa phương chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân, mở các lớp tin học văn phòng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, đan len, thêu, đan lát… Các học viên sau khi học đã biết vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Trên địa bàn xã hiện nay có 3 cơ sở đan len và thêu, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động nông nhàn; 15 hộ đan lát, thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/hộ/tháng. Từ năm 2011 - 2015, bình quân mỗi năm, xã có hơn 500 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Được biết, hiện nay, có một doanh nghiệp đã đặt vấn đề với xã về hướng trồng bắp với diện tích 20ha nhằm phục vụ cho việc nuôi bò sạch.


Theo ông Trung, để các mô hình kinh tế phát triển bền vững, địa phương kiến nghị tỉnh và huyện hỗ trợ thêm nguồn vốn vay ưu đãi để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Cạnh đó, quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nhân dân…


K.NGUYỄN