10:11, 13/11/2016

Quy hoạch điện lực đến năm 2025

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.


Cơ bản đáp ứng nhưng còn hạn chế


Theo khảo sát của Viện Năng lượng, hiện nay, ngoài nguồn điện được cấp từ lưới điện quốc gia qua các trạm nguồn 220kV, Khánh Hòa còn được cung cấp điện trực tiếp từ 2 nhà máy nhiệt điện và 2 nhà máy thủy điện. Nhà máy nhiệt điện Đường Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa) gồm 2 tổ máy, công suất 36MW, năm 2015 phát điện 33.426MWh; Nhà máy nhiệt điện Đường Khánh Hòa (huyện Diên Khánh) gồm 2 tổ máy, công suất 60MW, năm 2015 phát điện 18.196MWh; Nhà máy thủy điện Ea Krongrou có 2 tổ máy, công suất 28MW, năm 2015 phát điện 90.313MWh; Nhà máy thủy điện Sông Giang 2 gồm 2 tổ máy, công suất 37MW, năm 2015 phát điện 10.326MWh. Ngoài ra, các khu vực khó khăn trong việc cấp điện bằng điện lưới quốc gia như: Vũng Ngán, Bích Đầm… đều được cấp điện bằng các trạm phát Diesel.

 

Ngành điện triển khai thi công lưới điện nông thôn tại huyện Cam Lâm
Ngành điện triển khai thi công lưới điện nông thôn tại huyện Cam Lâm


Thống kê của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho thấy, hiện toàn tỉnh có 2.826 trạm biến áp với tổng dung lượng đạt 915.769kVA. Lưới điện áp trung bình được cấp điện của 85 đường dây trung áp, trong đó phần lớn đường dây mang tải vừa phải. Tỷ lệ này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tỷ trọng điện thương phẩm khối quản lý - tiêu dùng dân cư giảm dần, khối công nghiệp - xây dựng tăng dần. Năm 2015, tổng điện thương phẩm toàn tỉnh là 1,723 tỷ kWh. Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 11%/năm, trong đó tốc độ khối công nghiệp - xây dựng tăng 10,3%/năm, khối quản lý - tiêu dùng dân cư tăng 8,9%/năm, khối dịch vụ - thương mại tăng 19,5%/năm…


Lãnh đạo Viện Năng lượng cho rằng, hệ thống lưới điện toàn tỉnh Khánh Hòa về cơ bản đủ khả năng cung cấp điện các nhu cầu phụ tải của tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống điện của tỉnh còn một số tồn tại. Cụ thể, nguồn trạm 220kV đảm bảo phụ tải, nhưng do nâng công suất trạm 220Kv Nha Trang thay vì xây mới trạm 220kV Vân Phong nên chưa góp phần giảm được tổn thất trên lưới điện cao áp của tỉnh, độ tin cậy cung cấp điện chưa cao. Lưới điện 110kV cơ bản trải đều ra các huyện của tỉnh nhưng khối lượng xây dựng các trạm biến áp 110kV phục vụ cho phụ tải phân phối chỉ đạt 43% nên một số trạm 110kV có hiện tượng đầy tải, tổn thất trên lưới điện trung áp chưa giảm được nhiều và bán kính cấp điện ở một số khu vực còn rất lớn. Các huyện miền núi ở phía tây hiện chưa có trạm 110kV để cung cấp điện riêng, chủ yếu được cấp bằng các đường dây trung áp từ các trạm của các huyện lân cận, dẫn đến việc hỗ trợ cung cấp điện bị hạn chế…


Cần hơn 11.000 tỷ đồng


Theo ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, trong những năm tới, nếu không có đột biến thì nhu cầu sử dụng điện ở Khánh Hòa tăng khoảng 10%/năm. Mức tăng chủ yếu nằm ở khu vực công nghiệp - xây dựng và du lịch. Theo ông Sơn, hiện một số khu vực ở phía bắc và phía nam của tỉnh đã có dấu hiệu quá tải. Vì vậy, cần sớm đưa vào hoạt động các trạm 220kV ở huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh để giảm tải, giảm tổn thất điện năng và đảm bảo cung cấp điện an toàn.


Từ những phân tích đó, Sở Công Thương đề nghị đến năm 2020, công suất cực đại đạt 570MW, điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 2.230kWh/người/năm; đến năm 2025, công suất cực đại đạt 910MW, điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 3.706kWh/người/năm; đến năm 2035, công suất cực đại đạt 2.000MW, điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 7.385kWh/người/năm. Với nhu cầu ngày càng cao, trong giai đoạn 2016 - 2025, lưới điện 220kV được thiết kế mạch vòng hoặc được cấp điện từ 2 đường dây, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các phụ tải, dự phòng cho phát triển điện các năm tiếp theo. Các đường dây trên không xây dựng mới hoặc cải tạo sử dụng cột thép nhiều mạch để tiết kiệm hành lang tuyến. Trạm biến áp 220kV sẽ được thiết kế với quy mô lắp đặt ít nhất 2 máy biến áp.


Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, quy hoạch dự kiến cải tạo nhiều hệ thống lưới điện, xây dựng mới hàng trăm km đường dây trung áp, xây dựng thêm hơn 1.000 trạm biến áp… Tổng nhu cầu vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện cho toàn tỉnh trong giai đoạn này khoảng 11.112 tỷ đồng, trong đó lưới truyền tải 220kV là 5.601 tỷ đồng, lưới phân phối cao áp 110kV là 3.792 tỷ đồng, lưới phân phối là 1.171 tỷ đồng.


Trong cuộc họp mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu, phía tư vấn thiết kế bên cạnh cập nhật các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần cập nhật thêm các khu đô thị mới, trong đó đặc biệt lưu ý các khu đô thị xây dựng phải chạy hệ thống điện ngầm. Viện Năng lượng cùng Sở Công Thương khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch theo các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương để tỉnh trình Bộ Công Thương xem xét, quyết định vào cuối năm 2016. Các sở, ngành và địa phương cần tạo điều kiện, phối hợp với chủ đầu tư các dự án điện trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây, địa điểm trạm biến áp và nhà máy điện.


VĂN KỲ