Hiện nay, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch trên vịnh Cam Ranh ngày một gia tăng, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự, môi trường và tạo áp lực không bền vững.
Hiện nay, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch trên vịnh Cam Ranh ngày một gia tăng, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự, môi trường và tạo áp lực không bền vững. Trước thực trạng đó, TP. Cam Ranh đã tìm hướng chuyển đổi nghề cho lao động trong lĩnh vực này nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn.
Không muốn chuyển đổi
Ông Nguyễn Văn Lai (phường Cam Linh) gắn bó với nghề nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Cam Ranh hàng chục năm nay. Nhờ nghề nuôi tôm hùm, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Các con của ông vì thế cũng theo nghề cha, bám biển, bám vịnh theo đuổi con tôm hùm. Ông Lai bộc bạch: “Nghề này theo tôi hàng chục năm nay, giờ bảo tôi chuyển đổi nghề khác quả rất khó. Hiện tôi đã lớn tuổi, lại không có nghề nghiệp gì, thử hỏi ai thuê?”.
Nuôi thủy sản trên vịnh Cam Ranh đang ngày một quá tải |
Thời gian qua, hội nông dân các xã, phường ven biển TP. Cam Ranh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nghề. Ông Bạch Văn Tâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh cho biết, Cam Linh là phường ven biển, người dân chủ yếu sống bằng nghề biển mà phần lớn là nuôi tôm hùm. Hiện nay, việc vận động người dân chuyển đổi nghề nghiệp là rất khó, bởi thu nhập của nghề nuôi tôm hùm hiện rất cao. Hơn nữa, không ai dám đánh đổi hàng tỷ đồng đã đổ vào đầu tư lồng bè để chuyển sang nghề khác. Trong khi đó, hầu hết lao động trong lĩnh vực này không có nghề nghiệp chuyên môn, làm việc theo kiểu “cha truyền con nối” nên rất khó để vận động chuyển đổi nghề.
Mới đây, TP. Cam Ranh đã tổ chức đợt điều tra, rà soát lao động nuôi trồng thủy sản để có hướng chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, hầu hết lao động nghề biển không muốn đăng ký chuyển đổi nghề mới. Ông Hoàng Đình Minh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam cho biết: “Khi triển khai thống kê, người dân không muốn đăng ký bởi không muốn thay đổi nghề. Trong số 479 lao động nghề biển ở địa phương, chỉ có 18 người có ý định chuyển nghề, còn lại không ai đăng ký học nghề mới. Trước đây, phường có mở lớp dạy may nhưng đào tạo xong người dân không có việc làm nên đâm ra nản”.
Tìm hướng chuyển đổi
Phòng Kinh tế Cam Ranh là đơn vị được thành phố giao triển khai việc điều tra lao động lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và đề xuất hướng chuyển đổi nghề. Đến nay, công tác điều tra đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, toàn thành phố có 2.680 lao động được điều tra, chỉ có 20 người đăng ký học nghề, 310 người có nhu cầu chuyển nghề, còn lại hầu hết đều muốn gắn bó với nghề cũ. Trong số 310 người có nhu cầu chuyển nghề, phần lớn đăng ký chuyển sang làm công nhân, buôn bán, làm nông hay nghề khác.
Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, địa phương đang đối mặt nhiều khó khăn để chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng này. Nếu người dân vẫn muốn gắn bó với nghề cũ thì đây là lĩnh vực thành phố không khuyến khích, bởi nhiều áp lực về an ninh, môi trường, điều kiện nuôi ngày càng khó đã gây thiệt hại lớn cho chính người nuôi. Cạnh đó, đi đôi với việc chuyển đổi phải tiến hành đào tạo, trong khi người dân đa phần lớn tuổi, không có trình độ, nghề nghiệp, không muốn học nghề. Mặt khác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà đầu bảng là nuôi tôm hùm đang đem lại nguồn thu nhập cao, hấp dẫn, người dân không muốn từ bỏ. Ngoài ra, người dân đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ để đầu tư hình thành lồng bè, bây giờ bán chỉ có giá phế liệu nên thiệt hại không nhỏ.
Cũng theo ông Hải, việc điều tra thu thập số liệu là bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại sản xuất nuôi trồng trên vịnh Cam Ranh. Thành phố sẽ chú trọng đến các vấn đề người dân quan tâm, đặc biệt sẽ có hướng điều chuyển lao động sang các ngành khác, nhất là nhu cầu giải quyết lao động khi các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đang hình thành. Mặt khác, các vấn đề quy hoạch vùng nuôi hợp lý, xây dựng quy chế nuôi trồng thủy sản cũng đang được thành phố xúc tiến để lập lại trật tự trong lĩnh vực này.
V.L