10:11, 09/11/2016

Cam Ranh: Nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản tự phát

Những năm gần đây, các lồng bè nuôi trồng thủy sản tự phát ở vịnh Cam Ranh mọc lên ngày càng nhiều. Tuy chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến cưỡng chế tháo dỡ nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi.

Những năm gần đây, các lồng bè nuôi trồng thủy sản tự phát ở vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) mọc lên ngày càng nhiều. Tuy chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến cưỡng chế tháo dỡ nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi.


Lồng bè san sát


Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Cam Phúc Nam cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 329 bè với 3.395 lồng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 1.795 lồng tôm hùm, 700 lồng tôm đá xanh và 900 lồng cá bớp. Trong số các hộ nuôi, ngoài người dân Cam Phúc Nam, có một số người ở nơi khác đến tự ý chiếm dụng một vùng mặt nước để kết bè nuôi mà không xin phép địa phương. Khi đi kiểm kê, người nuôi khai báo không trung thực. Chính vì vậy, phường rất khó nắm chính xác số lượng lồng bè, khó quản lý các hộ này.

 

Lồng bè nằm san sát nhau tại vịnh Cam Ranh
Lồng bè nằm san sát nhau tại vịnh Cam Ranh


Theo quan sát của chúng tôi, các bè và lồng nuôi cá bớp, tôm hùm ở vùng biển Cam Phúc Nam san sát nhau. Đây là nguyên nhân khiến luồng nước lưu thông chậm, làm giảm mức độ trao đổi nên khả năng phát sinh dịch bệnh cao, nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh nhanh. Bên cạnh đó, do nuôi trồng tự phát, nhiều người nuôi không có ý thức gìn giữ môi trường đã xả thải, ném bao ni lông đựng thức ăn cho cá, rác thải ngay bên bè nuôi nên vùng biển này đang có nguy cơ ô nhiễm.


 Với thâm niên 15 năm dựng bè trên biển để mưu sinh, ông Nguyễn Hùng (phường Cam Phúc Nam) cho biết, ban đầu, ông chỉ tận dụng mặt biển có sẵn, thả thử nghiệm vài lồng cá bớp. Sau vài vụ thu hoạch, thấy thu nhập ổn định nên đến nay, ông phát triển lên 100 lồng nuôi. Nhiều gia đình ở huyện Cam Lâm thấy nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, cũng đến đây tự ý khoanh vùng thả lồng mà không quan tâm đến việc đảm bảo mật độ cũng như vệ sinh môi trường.


Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, tràn lan lồng bè tự phát đang là thực trạng chung diễn ra tại 11 xã, phường ven biển của thành phố. Trong khi đó, theo quy hoạch của TP. Cam Ranh, hiện nay, chỉ có xã Cam Bình được phép phát triển lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có hơn 30.000 lồng nuôi tự phát, tăng gần 20% so với năm 2015. Tuy nhiên, do chưa có quy định xử phạt cũng như biện pháp cứng rắn để xử lý các hộ vi phạm, chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động nên tình trạng này không giảm mà còn có xu hướng gia tăng”.


Không cho phát triển thêm


Hiện nay, hàng ngàn lồng bè tại TP. Cam Ranh đã và đang gây ô nhiễm môi trường, cũng như uy hiếp an toàn của hàng trăm tàu cá ra vào cửa biển trong khu vực. Nhiều hộ vẫn tiếp tục dựng lồng bè, bất chấp những khuyến cáo, vận động của chính quyền và nguy cơ trắng tay do cá, tôm chết vì ô nhiễm.


Bà Nguyễn Thị Bạc - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phúc Nam cho biết, địa phương rất khó quản lý tình trạng phát triển lồng bè tự phát. Đến nay, có khoảng 30 hộ từ huyện Cam Lâm đến đặt lồng nuôi cá bớp. Tuy nhiên, địa phương không nắm rõ được họ thả bao nhiêu lồng, mỗi lồng quy mô bao nhiêu con. Cách đây gần 1 tháng, UBND TP. Cam Ranh có tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo kế hoạch kiểm kê lồng bè nuôi trồng thủy sản trong vịnh Cam Ranh, nhưng kế hoạch chưa được ban hành nên phường vẫn chưa biết quản lý, kiểm soát tình trạng này như thế nào.


Theo ông Sơn, thành phố liên tục khuyến cáo, nhưng ý thức người dân chưa cao nên số lồng bè tiếp tục tăng. Hiện nay, UBND tỉnh đang điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch trước đây, tất cả các lồng bè sẽ di dời về vùng biển Cam Bình. Lần này, thành phố sẽ kiến nghị quy hoạch về vùng biển gần bờ để tạo điều kiện cho người dân. Khi di dời đến vùng quy hoạch sẽ đảm bảo về mật độ, tránh gây ô nhiễm môi trường. “Tôi đã chỉ đạo các địa phương thực hiện phương án kiểm kê để nắm chính xác số lồng bè hiện có; khu vực tập trung đông đúc, quá tải, gây ô nhiễm. Nếu hộ nào không hợp tác kê khai thì phải tiến hành cưỡng chế. Trước mắt các xã, phường phải quản lý chặt chẽ không cho phát triển thêm lồng bè. Khu vực nào có số lồng nuôi quá dày, gây ô nhiễm thì vận động người dân bỏ bớt, dọn dẹp đảm bảo vệ sinh trước khi quy hoạch vùng nuôi được phê duyệt”, ông Sơn nói.


VĂN KỲ